Cỏ Dại

Chương 6



“Đừng nản, ngày mai chúng ta đi tìm bố em.”

Nhưng tôi không thể vào được cửa nhà bố.

“Dì mày sắp sinh, mày đừng tới chọc giận cô ấy! Con gái trong thôn đều học cấp 2 trong trấn, mày giỏi giang hơn à? Nếu mày cứ khóc lóc rên rỉ, học phí cấp 2 trong trấn tao cũng không cho!”

Chị Hương Liễu không chịu từ bỏ.

“Chúng ta đi tìm hiệu trưởng trường Thành Bắc, xin ông ấy, nói không chừng ông ấy có thể miễn học phí cho em.”

“Có thể có việc tốt vậy sao?”

“Không thử sao mà biết?”

Trường nghỉ hè, bảo vệ không cho chúng tôi vào trong. Chú ấy nghe chúng tôi nói xong thì nói to: “Hiệu trưởng ở bên trong nhưng chú không cho hai đứa vào được.”

Chúng tôi chờ ở cổng trường.

Trong thành phố, mọi thứ đều phải tiêu tiền.

Chúng tôi mua ba cái màn thầu hết 1 tệ, xin ông chủ một bao nilon đựng nước máy rồi ăn bánh.

Chờ từ 10 giờ sáng đến 6 giờ tối, một người đàn ông trung niên bước ra.

Chú bảo vệ đứng lên, giọng vang như chuông: “Hiệu trưởng, ngài tan làm!”

Chị Hương Liễu nhanh nhẹn vọt tới, lắp bắp trình bày xong sự tình.

Hiệu trưởng nhất quyết mời chúng tôi đến quán ăn nhỏ gần cổng trường. Thịt heo xào ớt, cá diếc om, thêm một phần canh cà chua trứng.

Lòng tôi khấp khởi hy vọng.

Nhưng ăn xong, thầy nói: “Thầy rất thông cảm với em, nhưng điểm số của em không quá xuất sắc, những đứa trẻ như em quá nhiều, quyền lực của thầy không đủ lớn để xin miễn học phí cho em được. Thầy xin lỗi.”

Đây mới là sự thật cuộc sống phũ phàng.

Cỏ dại trời sinh trời nuôi, không nhận được nhiều ưu ái của số mệnh.

Chúng tôi sinh ra trong cằn cỗi. Có lẽ suốt cuộc đời đều là như thế. Cho dù có thể nở hoa thì cũng chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi.

Hiệu trưởng chở chúng tôi về làng bằng ô tô.

Khi xuống xe, ông đưa cho tôi quyển “Ông già và biển cả”: “Tặng em, đừng từ bỏ, con gái!”

10.

Sau khi về nhà, tôi mở sách ra mới phát hiện bên trong kẹp 200 tệ.

Đêm đó tôi và chị Hương Liễu nằm trên giường tre ngoài sân.

Mây đen che khuất trăng, sao thưa thớt.

Chị Hương Liễu nắm chặt tay tôi: “Không sao, học cấp 2 trên trấn cũng được, chúng ta có thể làm bạn với nhau. Tinh Tinh, là vàng thì ở đâu cũng có thể sáng lên. Không được từ bỏ!”

Mấy bà thím trong thôn cũng bàn tán chuyện này.

“Tinh Tinh, mọi người đều học trên trấn, có mình cháu ngoại lệ à?”

“Con gái học nhiều làm gì chứ, không phải cũng gả cho người ta sao?”

“Mấy trường dân lập đó học phí đắt muốn c.h.ế.t, chỉ để lừa tiền mấy người ngốc, may mà bố mẹ mày không mắc mưu!”

Cuối cùng tôi vẫn học cấp 2 ở trường trên trấn.

Chị Hương Liễu lớp 9, tôi lớp 7.

Chúng tôi cùng đến cùng đi mỗi ngày.

Tôi có kinh nguyệt, chị dạy tôi cách xử lý. Đặt mấy miếng giấy lót trên bề mặt băng vệ sinh, như vậy có thể kéo dài thời gian sử dụng hơn, có thể tiết kiệm tiền.

Tôi dậy thì, chị dẫn tôi đi mua áo lót.

Bác Bảy có khi đến tìm chị Hương Liễu, mắng chị là đồ khốn, có nhà không về.

Có lần bác uống say nổi điên, ôm chặt tôi: “Mày làm con gái tao chạy mất, vậy mày về nhà làm con gái tao!”

Lúc đó chị Hương Liễu nổi điên, cầm dao từ bếp lao ra: “Ông làm vậy với tôi thì thôi đi, nếu ông không buông Tinh Tinh ra, tôi gi|ế|t ông, tôi gi|ế|t ông…”

Chị chém cánh tay bác Bảy chảy máu. Bác Bảy hoảng sợ bỏ chạy.

Tôi ngã xuống đất, trong nháy mắt, tôi hiểu ra được điều gì đó.

Tại sao chị lại ghét bác Bảy đến vậy.

Tại sao chị biết trên núi có lang sói.

Tại sao chị thích ở với tôi chứ không về nhà.

Hai chúng tôi ôm nhau khóc rống. Tiếng khóc vang vọng quẩn quanh trong núi.

Hôm sau trong thôn có tin đồn nói chị Hương Liễu hết cứu, lại nổi điên.

Mấy bà thím ồn ào mắng mỏ:

“Tốt xấu gì ông ấy cũng là cha mày, sao mày lại động dao với cha mình chứ?”

“Đây là bất hiếu!”

“Tinh Tinh, nếu cháu còn cứ dính lấy nó thì sớm muộn gì cũng bị nó dạy hư.”


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner