Tin tức lan ra, các thư sinh, tiên sinh khác trong thư viện cũng đua nhau bắt chước.
Mà đó chính là mùi hương ta đã hao tổn tâm sức, dùng hết cả hai mùa hè thu để điều chế ra – mùi hương thích hợp nhất để chế tạo
mực.
Trong khi đó, nội bộ Thẩm gia lại xảy ra tranh chấp kịch liệt.
Nhân lúc Thẩm lão gia gia bệnh nguy kịch, hai công tử nhà họ bắt đầu giành giật gia sản, không còn tâm trí lo liệu cửa hàng văn phòng phẩm.
Việc làm ăn xuống dốc, cửa tiệm vắng khách.
Bạc cứ thế từng túi từng túi được gửi đến tay ta.
Lúc này ta mới biết, cửa hàng văn phòng
phẩm của Chu công tử không chỉ có ở Tô
Châu, mà trải dài khắp cả nước.
Sau khi giao công thức mực của một quý tiếp theo, Chu công tử lại mời ta uống trà.
Lần này, hắn nói với ta rằng đường tỷ của hắn, Vinh An quận chúa đã nghe về ta, muốn gặp mặt ta một lần.
Đường tỷ?
À, đúng rồi.
Chu công tử, hay còn gọi là Chu Thắng Kỳ, là một nhánh xa của hoàng thất.
Triều đình lập quốc đã trăm năm, hoàng tộc ngày càng đông, chốn hoàng cung cũng
ngày càng chật chội.
Một số nhánh hoàng tộc đã bắt đầu mượn danh nghĩa “quản lý đồ cưới cho nữ quyến” để bước chân vào thương nghiệp.
Chu công tử dồn ép khiến Thẩm gia không thở nổi.
Mà Vinh An quận chúa lại nhân cơ hội này ra tay, giành lấy mấy cửa hàng của Thẩm gia, biến chúng thành “hồi môn” của mình.
Quận chúa tỏ vẻ hài lòng, quyết định ban cho Chu tứ công tử một chức quan.
Thuận tiện, nàng cũng tò mò muốn biết ta trông như thế nào.
8. Tiến Kinh
Trước khi lên đường đến kinh thành, ta đem bạc gửi vào tiền trang.
Một phần ngân phiếu, ta thuê tiêu cục hộ tống về quê. Đồng thời, ta tìm đến trạm dịch chính thống, viết thư hướng dẫn cha mẹ cách đổi ngân phiếu.
Trong thư, ta cũng báo tin mình sắp vào kinh, đồng thời nhắc cha không cần tiếp tục bán mạng cho Thẩm gia nữa, bởi nội bộ họ đã xảy ra biến cố.
Phần ngân phiếu còn lại, ta bọc trong giấy dầu, khâu vào lớp lót áo trong.
Sau đó, thu dọn hành lý, hướng về phương
Bắc mà đi.
Trên đường đi, ta thường cùng Chu công tử đánh cờ.
Nữ tiên sinh dạy ta từ nhỏ giỏi nhất là hội họa, kế đó là thư pháp, kém nhất chính là cờ vây.
Chu công tử cười nói:
“Tư duy nàng quá đơn giản, nên không học nổi cờ vây.”
“Cùng là nữ nhân, nhưng cờ nghệ của Vinh An quận chúa lại cao siêu vô cùng, đến mức từng được hoàng thượng khen ngợi.”
Khác với Chu Thắng Kỳ, người sống xa kinh thành, Vinh An quận chúa có mẫu thân tỷ đệ ruột thịt với đương kim hoàng đế, được sủng ái vô cùng.
Chu công tử còn kể cho ta nghe một số chuyện ít người biết.
Ví dụ như, Vinh An quận chúa vốn chẳng thèm để mắt đến mấy cửa hàng của Thẩm
gia.
Thế nhưng Thẩm gia lại lớn mật gửi “sấu mã” đến kinh, ngay dưới mí mắt quận chúa, làm nàng phật ý.
*Sấu mã: là cách gọi ẩn dụ để chỉ những nữ tử trẻ tuổi, xuất thân nghèo khổ, được nuôi
dưỡng từ nhỏ để sau này bán vào các gia đình quyền quý làm thiếp hoặc kỹ nữ.
Ở thời này, thương nhân mua sấu mã
Dương Châu rồi dâng tặng quan lại đã chẳng phải chuyện hiếm.
Nhưng có một kẻ dâng một nữ tử như vậy cho đệ đệ của quận chúa, khiến đệ muội nàng khóc lóc không thôi.
Quận chúa không thể thẳng tay xử lý người kia, bèn bảo với hắn rằng nàng thích nữ tử ấy.
Sau đó, nàng ban chút lợi ích để đổi lấy người.
Rồi mỗi ngày, nàng đều cho nữ tử kia ăn sơn hào hải vị, đến khi béo tròn.
Từ đó, dù có gặp lại, đệ đệ của nàng cũng chẳng thể nhận ra người cũ nữa.
Sự việc được giải quyết, nhưng cái giá quận chúa phải trả lại khiến nàng đau lòng.
Vừa khéo, Chu Thắng Kỳ đang ở Tô Châu, trở thành quân cờ mà nàng có thể lợi dụng.
Thẩm gia vốn muốn dùng “sấu mã” để mua một chức quan, kết quả là mất cả chì lẫn chài.
Cái chức quan đó cuối cùng lại rơi vào tay
Chu Thắng Kỳ.
Ta lập tức lên tiếng chúc mừng.
Chu công tử cười ha ha, trêu chọc ta:
“Có phải nên chuẩn bị lễ mừng không?”
Ta ngoài ngân phiếu, với chút hương liệu còn lại, thì thật sự chẳng có gì để tặng.
Nhìn bộ dáng ngượng ngùng của ta, hắn cười càng vui vẻ hơn.
Trên đường đi, ta dốc hết tâm tư điều chế một loại hương.
Chủ yếu giúp an thần, dễ ngủ, nhưng mùi thơm độc đáo khác biệt.
Khi diện kiến quận chúa, ta chợt cảm thấy lễ vật này có phần tầm thường.