“Vậy bản cung sẽ cố gắng làm một Hoàng hậu tốt, cùng Hoàng thượng dốc sức vì một thiên hạ thái bình thịnh trị, để dân chúng được bình an hạnh phúc.” Ta nhìn về phía chân trời, mặt trời lặn đỏ rực, sắc mây đẹp đẽ tràn ngập bầu trời, hôm nay vốn là một ngày thời tiết đẹp chưa từng có, khiến lòng người tràn đầy niềm vui và hy vọng ấm áp.
Mùa xuân năm Tân Kiến thứ chín, cây cỏ tốt tươi, chim hót líu lo, Hoàng thượng nắm tay ta trong đại điển phong hậu, nhận lễ của bách quan, đón nhận lời chúc mừng từ chúng phi, ban Phượng ấn bảo sách, phong ta làm Hoàng hậu, chính vị Trung Cung.
36
Ban đầu, ta cảm thấy việc làm Hoàng hậu là chuyện vô cùng khó khăn.
Năm đầu tiên, chỉ riêng việc lật xem những cuốn sổ dày cộp đã khiến cánh tay ta mỏi nhừ không nhấc lên nổi, mắt hoa lên mà vẫn chẳng hiểu được bao nhiêu.
Năm thứ hai, các phi tần thay phiên nhau đến trước mặt ta, vì những chuyện lặt vặt mà tranh cãi ầm ĩ đến mức đôi tai từng quen với sự náo nhiệt của phố phường từ thuở nhỏ của ta cũng không chịu nổi sự huyên náo này.
Năm thứ ba, ta bận rộn không ngừng giữa các buổi tế tự yến tiệc, phải cài trâm Phượng chín đầu nặng nề thì cũng thôi đi, lại còn phải tham gia những buổi yến tiệc tao nhã, nơi người ta trổ tài văn thơ, khiến ta đau đầu không dứt.
Nhưng đến năm thứ tư, khi những khoản chi tiêu lặt vặt của hậu cung qua tay ta phê duyệt, ta đã có thể lật sổ sách một cách nhanh nhẹn mà không hề cau mày, thậm chí còn tinh ý nhận ra chi phí mua phấn son của lục cung giảm rõ rệt, trong khi chi phí ăn uống lại càng ngày càng tăng.
Ta đã là Hoàng hậu, Hoàng thượng cảm thấy sủng ái Trung cung là danh chính ngôn thuận, gần như không còn đến cung của các phi tần khác nữa
Tuy vậy, các phi tần trong cung đều đã ở đây mười lăm năm, đến năm thứ sáu, ta có thể thăng vị cho người nên thăng vị, thưởng bạc cho người nên thưởng bạc, tiếng cãi vã ầm ĩ cũng dần dần lắng xuống.
Ngay cả Hiền quý phi gặp ta cũng vui vẻ cùng ta thưởng thức những món ngon mới làm của Ngự Thiện Phòng.
Đến năm thứ bảy, tại gia yến Trung Thu, sau nhiều năm kiên nhẫn rèn luyện tại các buổi tiệc tao nhã, tài năng văn chương vốn bị bụi phủ của ta cuối cùng cũng tỏa sáng, ta vung bút viết nên tác phẩm chúc từ đầu tiên trong đời:
“Mâm cỗ nhiều món, người cũng đông,
Bóng lạ thoáng qua chỗ ngồi bên cạnh,
Nhìn qua tưởng là quả cầu,
Nhìn thêm lại ngỡ cái đầu,
Là cầu? Hay là đầu? Ghé lại gần nhìn thử.”
Buổi yến hôm ấy đúng là hoà thuận vui vẻ, các phi tần trong lục cung đồng loạt ca ngợi ta: “Hoàng hậu nương nương tài hoa xuất chúng, chúng thần thiếp không bì kịp!”
Chỉ có Hoàng thượng là mặt mày nghiêm nghị, uống thêm mấy chén rượu.
Đêm đó, hắn nửa say nửa tỉnh, giày vò ta tới nửa đêm.
Qua ngày hôm sau, hắn mới bị bài thơ của ta làm cảm động, lập tức sai người đóng khung tác phẩm, treo trong nội điện cung Hưng Đức.
Ta hào hứng ép Thừa Nguyên Chỉ dùng ngự bút viết cho ta hai chữ “Thi Quán”, sau đó cũng đóng khung treo trong cung của mình, tạo thành một cặp tương chiếu với nội điện cung Hưng Đức.
Năm Tân Kiến thứ mười bảy, ta làm hoàng hậu đã tám năm, càng lúc càng thoải mái tận hưởng cuộc sống trong cung nhưng rồi có một chuyện khiến ta đau đầu.
Mùa hè năm đó, Giác Nhi được lập làm Thái tử, thân là mẫu hậu, ta phải chọn cho thằng bé một vị Thái tử phi.
Giác Nhi mày kiếm mắt sáng, từ nhỏ đã được Nhị ca của ta chỉ dạy, tài năng đức hạnh đều nổi trội, khiến các tiểu thư danh môn ngưỡng mộ thằng bé nhiều không đếm xuể, chọn một người tâm đầu ý hợp làm Thái tử phi vốn không phải việc khó.
Thế nhưng, Giác Nhi khi còn nhỏ tính tình ôn hòa, ai ngờ càng lớn càng trầm mặc ít nói, mang dáng vẻ già dặn trước tuổi. Khi ta hỏi về chuyện chọn Thái tử phi, thằng bé lại nói chẳng có cô nương nào khiến thằng bé vừa ý.
Hôm ấy, A Phán mặc áo lụa mỏng, nhìn giống như tiểu tiên tử, con bé ôm hai chú mèo con Tuyết Đoàn và Tuyết Cổn nhào vào lòng ta, thần thần bí bí xích ghé sát vào tai ta, nói: “Mẫu hậu, A Phán lén nhìn thấy Đại ca đang vẽ tiên nữ! Đẹp lắm, đẹp lắm!”
Tiên nữ? Ta đương nhiên là chưa từng nhìn thấy tiên nữ, cho nên vô cùng tò mò.
Với giá hai cái bánh đường, ta đã khiến A Phán lén lấy từ Đông Cung về một bức họa tiên nữ.
Lúc nhìn thấy bức hoạ, ta lập tức hiểu vì sao không thể chọn được Thái tử phi, hóa ra trong lòng Giác Nhi đã có một cô nương mà thẳng bé yêu thương nhưng không dám cưới.
Ta gọi Giác Nhi vào cung, nói với thằng bé: “Ân oán năm xưa không liên quan gì đến thế hệ sau. Nguyên Nguyên là một cô nương rất tốt, dung mạo thoát tục, hiểu biết lễ nghĩa, rất xứng làm Thái tử phi. Mẫu hậu rất thích.”
Giác Nhi dù sao cũng là Hoàng tử, mặc dù ta và Nhị ca chưa từng nhắc đến chuyện cũ nhưng thằng bé lớn lên trong hoàng cung, trong lòng tự nhiên hiểu rõ ân oán giữa hai nhà Tề Dương.
Ta là mẫu hậu, Nhị ca là sư phụ của thằng bé, mà Dương Nguyên Nguyên lại là con gái thứ tư của Dương Hoán nhà Dương gia.
Giác Nhi thích cô nương đó nhưng không muốn làm chúng ta khó xử, chỉ có thể gửi gắm tình ý trong lòng vào những bức tranh ở nơi không ai nhìn thấy.
Mùa thu năm Tân Kiến thứ mười bảy, Thái tử phi Dương Nguyên Nguyên vào Đông Cung, cùng Thái tử tình đầu ý hợp, khiến người đời ngưỡng mộ.
Một năm sau ngày Thái tử thành hôn, Nhị ca gửi thư cho ta, nói rằng Thái tử đã đủ năng lực tự mình xử lý mọi việc. Huynh ấy xin từ quan, muốn chu du khắp nơi, mở lớp dạy học ở ngũ hồ tứ hải.
Nhị ca nói rằng đó là tâm nguyện của một vị bằng hữu cũ thuở trước.
Ta hiểu rằng Dương Nguyên Nguyên tài hoa, khiến huynh ấy nhớ đến cố tri năm xưa.
Thời gian qua đi, ân oán đã hóa thành hư vô, chỉ còn lại niềm thương nhớ đối với tri âm tri kỷ, tựa như tiếng đàn Cao sơn lưu thuỷ còn vang vọng mãi.
Nhưng ta càng biết rõ hơn, Nhị ca quyết tâm ra đi không chỉ vì tâm nguyện chưa tròn của người bằng hữu cũ, mà còn vì cảnh tượng Giác Nhi và Nguyên Nhi đứng cạnh nhau làm huynh ấy nhớ đến mình và Nhị tẩu năm xưa.