11.
Phu quân của Diệp ma ma là kẻ nghiện cờ bạc, vì trả nợ mà bán đi nhi tử vừa mới chào đời chưa lâu.
Hắn dùng số bạc bán con mua được lần đầu tiên một ít thịt mang về nhà.
Hắn nói với bà rằng, nhi tử không còn thì có thể sinh thêm.
Bà không nói một lời, vào viện đào lên vò rượu được chôn từ ngày nhi tử bà chào đời.
Đêm ấy tuyết rơi suốt đêm, hắn uống say, cuối cùng chết rét giữa sân phủ đầy tuyết.
Dân làng và họ hàng đều truyền nhau rằng bà độc ác, không ai còn qua lại với bà nữa.
Gần đây, những thân thích ấy nghe được tin bà phát đạt ở kinh thành, liền viết thư thúc giục bà về thăm quê, trong thư còn nói họ biết tung tích của nhi tử năm nào.
Ta hỏi Diệp ma ma:
“Người có tìm được hài tử không?”
“Năm ấy vì cứu Lục Nhi, ta lỡ tay giết chết tên buôn người. Ta sợ bị nha môn bắt đi, không ai nuôi dưỡng thằng bé, liền gửi nó cho phu thê già không có con. Sau đó, ta đến Lý gia làm nhũ mẫu cho nương của con. Thật ra, bao năm nay ta vẫn luôn biết thằng bé ở đâu.” Diệp ma ma chỉ vào đĩa bánh ngọt mới mua đặt trên bàn, nói với ta: “Mấy món bánh này đều là do nó làm, đi trễ một chút thì chẳng còn mà mua nữa.”
Hèn gì Diệp ma ma không thích chè ngọt, nhưng lại mê ăn bánh như thế.
Ta lại hỏi:
“Ngần ấy năm, vì sao người không nghĩ đến chuyện nhận lại con?”
Diệp ma ma lắc đầu:
“Ta không phải người tốt, chỉ cần biết nó sống tốt là được rồi, hà tất phải làm phiền thêm?”
Diệp ma ma kể cho ta nghe nhiều chuyện về lần về quê. Bà trở về trong bộ quần áo rách rưới, đi khắp nơi mượn tiền từ thân thích, nhưng những kẻ từng hứa sẽ tiếp đãi bà chu đáo lại đóng chặt cửa không tiếp.
Chỉ có một biểu muội thấy bà đáng thương mà gom góp được vài đồng bạc, còn bảo bà không cần phải trả lại.
Nhưng khi Diệp ma ma rời đi, bà trả lại cho biểu muội ấy hai trăm lượng bạc.
…
Hai năm sau, ta nhận được thư từ Thẩm Như.
Trong thư, muội ấy kể rằng cha ta không chịu nổi những lời gièm pha ở quê, chẳng bao lâu đã tự sát.
Tổ mẫu cũng lần lượt bệnh nặng mà qua đời.
Muội ấy biết mối quan hệ giữa ta, cha và tổ mẫu, nên không báo tin cho ta về quê, với người ngoài thì chỉ bảo rằng chúng ta đã cắt đứt liên hệ.
Phần cuối thư, muội ấy viết rằng đã thành hôn, phu quân là một tiên sinh dạy học.
Sau khi xuất giá, muội ấy vẫn tiếp tục dạy học ở gia nữ thục, cuộc sống nhẹ nhàng tự tại.
Khi Diệp ma ma nghe ta đọc đến đây, không nhịn được ho khẽ:
“Muội muội của con đã xuất giá, còn con vẫn chưa có tin tức gì.”
Ta hừ một tiếng:
“Xuất giá thì có gì tốt? Diệp ma ma, người hỏi qua di mẫu chưa?”
Lời vừa dứt, di mẫu đang ôm mấy mẫu thêu mới bước vào, cười nói:
“Xuất giá tốt lắm chứ, nếu ta không xuất giá, sao biết được sống một mình lại thoải mái như vậy.”
Hai năm nay, xưởng thêu và tiệm may mà ta và di mẫu mở tại kinh thành đã kiếm được không ít tiền.
Di mẫu sống an nhàn sung túc, ánh mắt không còn ẩn chứa những u sầu, mà thay vào đó là nét linh động như thiếu nữ.
Năm ngoái, di phu bị bệnh hoa liễu, cho giải tán hết đám hồ điệp bên ngoài, chuẩn bị quay về phủ để dưỡng bệnh, thì bị di mẫu đưa cho một phong thư hòa ly.
Di mẫu có tiền rồi, mua chuộc những kẻ thân cận bên cạnh di phu, từ từ thu thập chứng cứ tham ô của ông.
Di phu muốn bảo toàn mạng sống, chỉ đành ký vào giấy hòa ly.
Sau khi hòa ly, di mẫu vẫn giao những chứng cứ ấy cho triều đình.
Di mẫu vốn chẳng còn nghĩ đến chuyện sống nữa, chỉ là không muốn chết đi vẫn phải mang danh nghĩa là phu thê với di phu.
Nhưng không ngờ bệ hạ niệm tình bà lập công, tha cho bà tội danh.
Ta chống cằm, nhìn nụ cười thoáng qua nơi khóe mắt của di mẫu, hậm hực nói:
“Di mẫu, những gì người nói đều là ngụy biện cả.”
Di mẫu hừ một tiếng, nhíu mũi nhìn ta.
Những ngày tháng sau đó, Diệp ma ma không còn nhắc đến chuyện muốn ta xuất giá nữa.
Ta bận rộn làm ăn, thoắt cái đã hai mươi hai tuổi.
Trong dịp cùng ma ma về thôn trang ăn Tết, ta đột nhiên nghe bà thở dài:
“Hứa Hành Chi ở viện bên cạnh nay đã đỗ tiến sĩ, người thì tuấn tú, lại nghe nói không ít quan viên trong kinh thành muốn gả nữ nhi mình cho nó.”
Ta nhìn ngọn lửa cháy trong lò than, không đáp lời.
Di mẫu liếc ta, tặc lưỡi nói:
“Ngày trước khi thúc giục Sương Nhiễm xuất giá, nó luôn lấy lý do rằng tên mọt sách ở nhà bên cũng chưa thành thân. Ta còn nhớ hai đứa nhỏ từng hứa hẹn, nếu cả hai không ai cưới gả, thì khi lớn tuổi sẽ làm bạn đời với nhau. Giờ thì hay rồi, không ai ghép đôi với con nữa.”
Ta đứng dậy, lấy một ít rau xanh từ giỏ tre trên bệ cửa sổ, nói với họ:
“Con cho thỏ ăn đây.”
Trước khi ta ra cửa, di mẫu khoác thêm cho ta một chiếc áo choàng đỏ mới may, cẩn thận chỉnh lại lọn tóc bên thái dương cho ta.