Vong Thạch

Chương 1



Ta là thái tử phi, nhưng thái tử không yêu ta.

Điều này vốn dĩ chẳng phải vấn đề. Vấn đề thực sự là – thái tử khắc thê.

Trước ta, phủ thái tử đã có ba vị thái tử phi lần lượt bỏ mạng.

Vị đầu tiên là con gái tể tướng, thành thân ba tháng thì đột ngột qua đời.

Vị thứ hai là thiên kim hộ bộ thượng thư, chưa đầy hai tháng cũng bạc mệnh.

Vị thứ ba là cháu gái hình bộ thượng thư, mới cưới một tháng đã vong mạng.

Tin đồn lan truyền khắp kinh thành, ai ai cũng nói thái tử vốn là bậc rồng trong loài người, nhưng mệnh cách lại quá cứng rắn, khắc chết cả ba thê tử. Xót xa thay cho ba tiểu thư khuê các, rốt cuộc lại mất mạng oan uổng.

Còn ta, là vị thái tử phi thứ tư. Ta và thái tử còn cách nhau bốn tuổi.

Số bốn – con số vốn dĩ chẳng hề may mắn.

Trong mắt kẻ khác, một nữ nhi con nhà quan cửu phẩm hạt mè như ta, có thể sống được bao lâu đây?

Vốn dĩ, với thân phận của ta, làm gì có tư cách trở thành thái tử phi. Phụ thân ta chỉ là một vị quan nhỏ không đủ tư cách lên triều, trong khi ba vị thái tử phi trước đều là thiên kim đại thần trong triều. Nhưng chẳng biết từ khi nào, nữ nhi của đám quyền thần trong triều bỗng nhiên hoặc là bệnh nặng, hoặc vội vã xuất giá, chẳng ai chịu gả vào phủ thái tử nữa.

Đương kim thánh thượng thấy con trai mình cứ thế mà cô đơn đến già, đành phải nghĩ cách. Thế là ông sai người đi khắp nơi tìm kiếm một cô nương có mệnh cứng rắn, không cần tài mạo hay gia thế, chỉ cần sống lâu.

Mà ta, Lâm Nhan, lại nổi danh là kẻ có số mệnh cứng rắn nhất.

Không phải vì ta từng trải qua nhiều lần đại nạn mà không chết, mà bởi một lời phán bừa của một lão đạo sĩ năm xưa.

Khi ấy ta mới ba tuổi, theo cha  mẹ dạo chơi trên phố thì tình cờ gặp một lão đạo sĩ đầu trọc lốc, râu ria xồm xoàm. Vừa trông thấy ta, lão liền phát điên mà phán: “Đứa trẻ này là kẻ vô tình, mệnh số trắc trở, cả đời định sẵn cô độc đến già. Nếu không cẩn thận, có khi còn mang họa đến cho người khác. Muốn bình yên cả đời, tốt nhất là đưa nó vào am ni cô, nương nhờ cửa Phật mới có thể bình an.”

Lão còn nói, ta chính là một tảng đá cứng đầu cứng cổ, búa rìu không phá nổi, nước chảy chẳng xói mòn, có thể sống cô độc mà trường thọ.

Lời của lão đạo sĩ vốn chẳng có gì lạ, hoàn toàn có thể xem như lời mê sảng, nhưng chuyện kỳ lạ là, chẳng bao lâu sau, bà nội ta qua đời.

Trong tang lễ, ta không khóc được. Cuối cùng là mẹ phải bấm tím cánh tay ta, ta mới ấm ức khóc rống lên một trận.

Khi ấy, thân thích trong nhà đều xì xào bàn tán rằng ta vô tình vô nghĩa. Bởi lẽ, lúc sinh thời, người thương ta nhất chính là bà nội ta.

Hai năm sau, đệ đệ ta chào đời. Nhưng thân thể nó vốn yếu ớt từ trong bụng mẹ, mười hai canh giờ thì mười canh giờ nằm trên giường, một canh giờ nằm trên ghế dựa, còn lại một canh giờ chỉ đủ để ăn uống, vệ sinh.

Nó mang bệnh này từ trong thai ra, khi ấy có thể sống được đã là may mắn, mấy năm sau hoàn toàn nhờ thuốc thang kéo dài hơi tàn.

Có đôi lúc ta nghĩ, đệ đệ ta sống như vậy, chẳng thà chết đi còn hơn.

Ta chỉ một lần lỡ lời nói ra suy nghĩ ấy, mẹ liền lấy roi lông gà quất ta suốt nửa đêm.

Thế nhưng, đệ đệ vẫn không qua khỏi. Khi đó, nó sáu tuổi, ta mười một. Bình thường ta và nó cũng xem như có chút thân thiết, nhưng đến lúc nó mất, ta vẫn không khóc.

Đệ đệ ta đi không bao lâu, mẹ cũng rời đi.

Lúc này, ta đã rơi nước mắt. Chẳng qua là nhờ thấm nước gừng vào tay áo, bôi lên mắt mà thôi.

Lời của lão đạo sĩ điên năm xưa bị đám người nhàn rỗi lôi ra bàn tán. Cả phố đều nói, con gái nhà họ Lâm là kẻ vô tâm vô tình, trái tim kia chính là tảng đá, có nuôi dưỡng thế nào cũng chẳng ấm lòng. Lại có kẻ ác miệng hơn, bảo rằng ta là “thiên sát cô tinh,” khắc người thân, mệnh cứng như sắt đá.

Tin đồn cứ thế lan truyền, cuối cùng lọt vào tai vị hoàng đế đang bể đầu sứt trán vì đại hôn của thái tử.

Hôm ấy, thánh thượng liền hạ chỉ triệu ta vào cung.

Ông không nói lời nào, chỉ nhìn trái nhìn phải, ngắm trước ngắm sau, rồi vung tay phán một câu:

“Được rồi, chính là con.”

Khoảnh khắc ấy, ta chợt nảy sinh một nghi ngờ – lão hoàng đế này, chẳng lẽ thực sự biết xem tướng?

Cha đứng chờ ta trước cổng cung, thấy ta mang vẻ mặt phức tạp khó nói thành lời, bèn an ủi:

“Không sao, con gái ta sinh ra xinh đẹp như vậy, chẳng lo không tìm được nhà nào vừa mắt mù vừa mệnh cứng.”

Ta giật giật khóe miệng, bảo rằng ta đã được chọn rồi.

Lần này đến lượt cha ta lộ ra biểu cảm khó tả, run rẩy hỏi rằng, chẳng lẽ ta phải vào cung làm phi tử, trong khi ta chỉ mới mười bốn tuổi.

Nhìn ông sắp sửa nổi trận lôi đình, mắng đương kim hoàng đế hoang dâm vô độ, ngay cả trẻ con mười bốn tuổi cũng không tha, ta vội cắt ngang:

“Không phải, là làm thái tử phi.”

Vậy là ông đổi giọng ngay lập tức:

“Đương kim thái tử hoang dâm vô độ, ngay cả trẻ con cũng không tha!”

Aizz… Cha à, người đến giờ vẫn chỉ là một tiểu quan tép riu, cũng không phải không có lý do đâu.

Hôn sự giữa ta và thái tử được định đoạt, toàn kinh thành xôn xao bàn tán.

Người đời nói đây là một cuộc hôn nhân “môn đăng hộ đối” – không phải về gia thế, mà là ở năng lực khắc thân nhân.

Bọn họ bàn luận sôi nổi đến mức ta cũng bị cuốn theo, không khỏi tò mò, rốt cuộc là ta khắc chết hắn trước, hay hắn khắc chết ta trước.

Ngoài phố thậm chí còn mở cả sòng cược. Kẻ đặt cược nhiều nhất tin rằng ta sẽ mất mạng trong vòng bảy ngày sau khi gả vào phủ thái tử. Lý do là thái tử ra tay chuẩn xác hơn, mà năng lực khắc thê của hắn ngày càng tinh tiến, còn ta, có khi chưa kịp khắc chết thái tử thì đã khắc chết cha ta rồi.

Đáng giận hơn là… ta lại cảm thấy vô cùng có lý, khiến ta nơm nớp lo sợ suốt một tháng trời.

May mà ngoại trừ bị mấy vị giáo tập cô cô hành hạ đến mức cả tim gan lá lách thận cùng đầu óc đều đau, thì mọi chuyện vẫn yên ổn.

Đến ngày xuất giá, phụ thân ta nước mắt lưng tròng, dặn dò:

“Vào phủ thái tử rồi, không thể tùy tiện như ở nhà nữa, mọi việc đều phải cẩn thận. Từ nhỏ con đã không giỏi quan sát sắc mặt người khác, lại vụng về trong đối nhân xử thế, giờ làm thái tử phi, ngày ngày phải tiếp xúc với người hoàng thất, quan trọng nhất là chớ có ăn nói lung tung! Đến lúc nên khóc thì phải khóc, nên cười thì phải cười. Nếu bị yêu cầu thể hiện tài nghệ, cứ ngoan ngoãn vẽ mấy bức tranh, đừng giở trò khôn vặt.”

Ta nhăn nhó: “Cha, đừng mắng nữa, mắng thêm nữa nữ nhi của cha thật sự ngốc mất!”

Ông lại càng khóc dữ hơn:

“Con không phải đã ngốc sẵn rồi sao?”

Khi cỗ kiệu đưa ta đi xa dần, ta bỗng cảm thấy nhẹ nhõm. Ta đi rồi, chắc cha có thể sống thêm mấy năm nữa.

Chỉ là… không biết vị thái tử khắc thê kia, diện mạo thế nào?    

Thái tử rất đẹp.

Lúc hắn vén khăn voan đỏ của ta lên, ta cứ ngỡ mình đang nhìn thấy tiên nhân.

“Mặt tựa trăng thu, sắc như hoa sớm xuân, tóc mai như đao tỉa, mày vẽ tựa mực tàu, dung nhan như cánh đào, mắt biếc tựa làn thu thủy.”

Thì ra nhân vật trong thoại bản thực sự tồn tại trên đời.

Hắn quan sát ta hồi lâu, hai hàng mày kiếm nhíu lại.

“Ánh mắt của phụ hoàng ngày càng kém rồi.”


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner