Nghe vậy, con dâu Mạnh Nhược Linh có vẻ do dự:
“Nhưng để mẹ sống trong viện dưỡng lão thật đáng thương. Hay là mình thuê người chăm sóc đi? Hoặc bảo bố nghỉ việc về chăm mẹ?”
Con trai tôi lập tức gạt phăng:
“Viện dưỡng lão 4000 tệ một tháng, đúng bằng tiền lương hưu của bà ấy. Giờ thuê người giúp việc cũng phải 7-8000 tệ, còn phải bao ăn ở, mỗi tháng anh phải bù thêm bao nhiêu? Còn bố thì khỏi nghĩ, mỗi tháng ông ấy được trường hỗ trợ hơn 1 vạn tệ, tiền nhà mình đều nhờ ông ấy gánh hết đấy.”
Con dâu nói:
“Anh kiếm hơn 3 vạn một tháng, bố lại giúp trả nợ nhà, anh bỏ ra một chút đi?”
“Không bỏ! Bà ấy cứ đòi chơi chứng khoán, năm nào cũng lỗ muốn chết. Năm ngoái anh phải dọa nếu không rút thì sẽ không sinh con, bà ấy mới chịu ngừng.Nếu không đến cái nhà để ở cũng thua mất.”
Đúng vậy, năm ngoái chúng nó không cho tôi đầu tư, nói tôi không biết tiêu tiền, còn tưởng tôi chỉ có mấy vạn, cũng ép tôi bán hết. Đến cả chồng tôi cũng không đồng ý, giận tôi mấy ngày.
Tôi bèn lén làm giả ảnh chụp màn hình tài khoản gửi cho chúng nó, bảo đã bán sạch, nhưng thực tế thì tôi không hề bán, thậm chí năm nay còn dốc vốn đầu tư thêm.
Con dâu còn định nói gì đó, nhưng con trai đã mất kiên nhẫn.
“Thế này nhé, mẹ anh trước đây đối với em cũng tốt, của hồi môn vàng bạc cũng cho em 30 vạn tệ. Nếu em nhất quyết đón mẹ về và thuê người chăm, thì mình chia đôi chi phí.”
Ai ngờ, nghe đến chuyện bỏ tiền, con dâu lập tức từ chối:
“Thế thôi để mẹ ở viện dưỡng lão đi. Chính anh còn không lo, lại mong em lo à?”
Tôi thở dài một hơi thật sâu.
Con trai ruột còn như vậy, con dâu thế này cũng chẳng có gì lạ.
3.
Con trai tôi không ở lại lâu, nó chỉ đến thu dọn nốt những đồ đạc của tôi ở chỗ nó mang đến viện dưỡng lão.
Cứ như thể, chỉ cần dọn hết những thứ này đi là có thể xóa sạch công lao nuôi nấng vất vả của một người mẹ dành cho con trai mình.
Tôi không biết, liệu nửa đêm nằm trên giường, nó có bao giờ chợt nghĩ đến người mẹ mà mình đã bỏ lại trong viện dưỡng lão không? Có cảm thấy cắn rứt đến mất ngủ không?
Nghĩ cũng biết là không. Nó vốn không có trái tim.
Nếu không, sao nó có thể bỏ mặc một người mẹ già mắc Alzheimer ở viện dưỡng lão khi chồng bà ấy không ở bên cạnh?
Nhưng may mắn thay, tôi không hoàn toàn trắng tay.
Tôi lại mở điện thoại ra, nhìn số dư trong tài khoản ngân hàng hết lần này đến lần khác.
Ừm, trên đời này, chỉ có con số là đáng tin nhất. Một là một, hai là hai, mười triệu thì vẫn là mười triệu.
Tôi vẫn còn một người chồng luôn yêu thương mình.
Nếu không thể trông cậy vào con trai, tôi vẫn còn có chồng mình – Trần Phương Lôi. Chúng tôi có từng này tiền, già rồi cũng chẳng sợ không có chỗ dựa.
Tôi đặt điện thoại lên gối, âm thầm tính toán bước tiếp theo nên làm gì.
Tôi còn rất nhiều điều muốn làm. Năm ngoái tôi đã muốn đi du lịch, nhưng kể từ khi con dâu mang thai, tôi dường như không còn là chính mình nữa.
Danh phận “bà nội tương lai” trói buộc tôi đến mức không thể nhúc nhích.
Có thể nó không cần tôi mọi lúc, nhưng tôi phải luôn sẵn sàng 24/7 để đáp ứng nhu cầu của nó bất cứ khi nào.
Có thể là một bữa trưa, một lần đi khám thai, hoặc đơn giản chỉ là một ý thích bất chợt muốn đi siêu thị.
Mỗi khi con trai không có mặt, tôi – người mẹ này – luôn là phương án thay thế.
Thực ra, chồng tôi hoàn toàn có thể đưa tôi đi cùng trong những chuyến công tác xa. Nhưng ông ấy luôn lo con trai, con dâu không có ai chăm sóc, nên mãi mới chịu để tôi đi. Vậy mà, đúng lúc đó con dâu lại mang thai.
Lần này, nếu ông ấy về, tôi sẽ đi cùng ông ấy.
Đã xa nhau bao nhiêu năm như vậy rồi, cũng đến lúc hai vợ chồng phải đoàn tụ thôi.
4.
Dạo này chồng tôi không mấy khi nghe điện thoại của tôi. Nhưng chuyện này cũng bình thường, ông ấy thường đưa học trò lên núi nghiên cứu, tín hiệu kém là chuyện thường.
Tôi không ngờ, ông ấy lại đột nhiên xuất hiện ở viện dưỡng lão. Tôi vội chạy đến ôm lấy ông ấy, phấn khởi hỏi chuyện.
Ông ấy là sinh viên đại học thời chúng tôi, sau này ở lại trường làm giảng viên. Phong thái lúc nào cũng điềm đạm, học thức uyên thâm.