Nhìn Thấy Các Vì Sao

Chương 9



25.

Tôi và Kỷ Trừng yêu nhau.

Nhưng vì công việc quá bận rộn, những ngày chúng tôi gặp nhau ở Congo (Kinshasa) chẳng được bao nhiêu.

Phần lớn thời gian, chúng tôi chỉ tình cờ gặp mặt trong những nơi xảy ra xung đột.

Anh ấy lao đi cứu chữa thương binh, còn tôi cố gắng chụp lại những thước phim để viết bài.

Khoảnh khắc vội vàng lướt qua nhau, bàn tay chạm nhẹ là sự giao tiếp duy nhất giữa chúng tôi.

Mạng internet ở đó lúc tốt lúc xấu.

Có khi nhiều ngày không nhận được tin nhắn của nhau.

Nhưng rồi một lúc nào đó, chúng lại ùn ùn đến, điện thoại reo lên không ngớt, tin nhắn xáo trộn lung tung.

Giống như những dòng chữ ấy cũng vừa vượt qua mưa bom bão đạn, mang theo nỗi nhớ nặng trĩu, bền bỉ gửi gắm tâm ý.

Tình hình ở tỉnh Bắc Kivu không hề khả quan.

Lần đầu tiên chúng tôi cãi nhau là khi một ngôi làng gần Goma bị tấn công.

Lúc đến nơi, các nhóm vũ trang vẫn chưa rút đi.

Lực lượng an ninh đang giao chiến với họ.

Chúng tôi vội vã quay lại xe, chuẩn bị rút lui.

Nhưng tôi thấy Kỷ Trừng nhảy xuống khỏi xe cứu thương.

Ở rìa vùng giao chiến, có một người dân bị thương đang nằm bất động.

Anh ấy cõng người đó về, nhưng bị mảnh đạn cứa vào, máu chảy ròng ròng.

Tôi vừa giận vừa sợ, cãi nhau to với anh ấy.

Nhưng anh ấy không chịu nhượng bộ.

“Anh là bác sĩ! Anh không thể thấy chết mà không cứu!”

“Khi đó anh ta chỉ bị bắn vào chân, vẫn còn có thể sống! Nhưng nếu anh không cứu, dưới làn đạn, anh ta chắc chắn sẽ chết!”

Tôi biết anh nói đúng, cũng biết cứu người là sứ mệnh của anh.

Nhưng tôi thật sự rất sợ.

Lúc anh quay lại, cả người nhuốm đầy máu.

Không phân biệt được đó là máu của ai.

Tôi run rẩy kiểm tra thật lâu, mới biết anh chỉ bị thương ngoài da.

Tôi bỗng không muốn cãi nữa, ôm chặt lấy anh khóc òa.

“Kỷ Trừng! Em không muốn mất thêm ai nữa! Nếu anh xảy ra chuyện! Em phải làm sao đây?!”

Anh im lặng.

Một lúc sau, anh vòng tay ôm tôi, giọng khàn đặc.

“Xin lỗi…”

“Về sau anh sẽ cẩn thận hơn, không mạo hiểm, không để em phải lo lắng nữa…”

Tôi vùi đầu vào ngực anh, nức nở.

“Anh hứa đi!!”

“Vậy chúng ta ngoéo tay.”

Anh cầm tay tôi, làm động tác như trẻ con.

“Ngoéo tay treo cổ, trăm năm không được đổi, ai đổi là cún con!”

“Anh tuyệt đối không thể biến thành cún con, nếu không đến lúc gặp mẹ em, em giới thiệu anh thế nào?

“Bạn trai cún con à?”

Tôi bị anh chọc cười giữa dòng nước mắt, nhấc gối đập thẳng vào mặt anh.

Nhưng anh nằm im không nhúc nhích.

Tôi sợ đến mức vội vàng nhấc gối lên, lo lắng không biết mình có làm anh ngạt thở không.

Anh nhìn tôi, ánh mắt tinh nghịch, chẳng hề hấn gì.

Dường như đang nói: “Thấy chưa, anh không dễ chết như thế đâu.”

Tôi chỉ có thể trừng mắt nhìn anh, trừng đến mức mắt mỏi nhừ, rồi nước mắt lại lăn dài.

Lòng tôi trĩu nặng.

Ai cũng biết, những lời hứa như “ngoéo tay” chỉ là một cách để an ủi tinh thần.

Chiến trường là nơi tàn khốc nhất.

Đó là lần đầu tiên tôi thực sự ý thức được rằng, mỗi ngày ở bên Kỷ Trừng đều vô cùng quý giá.

Bởi không ai có thể chắc chắn, cái chết hay ngày mai, cái nào sẽ đến trước.

26.

Chiến tranh ngày càng leo thang.

Dịch bệnh Ebola cũng bắt đầu tấn công quốc gia đã bị tàn phá này.

Đến mùa xuân, công việc của Kỷ Trừng càng thêm bận rộn.

Do thiếu hụt nhân viên y tế, anh ấy phải luân phiên làm việc giữa trại tị nạn và trung tâm điều trị Ebola.

Tuy nhiên, các phần tử vũ trang đột nhiên tấn công các trung tâm điều trị ở nhiều thành phố.

Nhiều bác sĩ buộc phải từ bỏ công việc và nhanh chóng rút lui.

Nhưng Kỷ Trừng không muốn rời đi.

Một phần vì tình hình ở Goma vẫn tương đối ổn định.

Phần khác, trong trung tâm vẫn còn gần một trăm bệnh nhân.

Nếu tất cả nhân viên y tế đều rời đi, họ chỉ có thể nằm trên giường bệnh chờ chết.

Kỷ Trừng và bốn bác sĩ khác quyết định ở lại, tùy cơ ứng biến.

Nhưng không lâu sau, các phần tử vũ trang đã chiếm đóng vùng ngoại ô Goma, chặn mọi con đường ra vào.

Chúng tôi bị mắc kẹt.

Trong tình huống như vậy, Kỷ Trừng đột nhiên nhắn tin yêu cầu tôi đến trung tâm điều trị.

Anh ấy nói không rõ ràng, nhưng tôi linh cảm có điều gì đó không ổn.

Chúng tôi mặc đồ bảo hộ, bước vào khu xử lý rác thải y tế.

Trong một căn phòng trống được bố trí sẵn, tôi nhìn thấy mười mấy đứa trẻ thuộc tộc Hutu.

Đứa lớn nhất cũng chỉ tầm mười hai tuổi.

Chúng mặc quần áo rách rưới, cơ thể đầy những vết thương đã nhiễm trùng.

Tôi gần như không thể tin vào mắt mình.

Vì các phần tử vũ trang chiếm đóng vùng ngoại ô là người tộc Tutsi.

Họ và tộc Hutu có mối thù không đội trời chung.

Nếu những đứa trẻ này bị phát hiện, không chỉ chúng mà cả trung tâm điều trị cũng sẽ bị trả thù tàn bạo.

Tôi cảm thấy như sụp đổ.

“Kỷ Trừng, anh điên rồi sao?!”

“Anh có nhớ tôn chỉ của tổ chức Bác sĩ Không Biên giới không?!”

Anh ấy không được phép can thiệp trực tiếp vào xung đột chiến tranh, để có thể bảo vệ bản thân và hỗ trợ nhiều người hơn.

Nhưng anh ấy chỉ cúi đầu.

“Anh biết việc này rất nguy hiểm, nên mới muốn hỏi em có thể liên hệ với tổ chức nào đó nhận nuôi chúng không?”

“Nhưng nhiều người như vậy, làm sao anh đưa chúng ra khỏi Goma? Bên ngoài toàn là người kiểm tra!”

Kỷ Trừng nói rất nhanh.

“Chúng nhỏ người, có thể mặc đồ bảo hộ và chui vào thùng rác y tế.”

“Xe vận chuyển cứ ba ngày đến một lần, không ai mở những thùng rác đó ra kiểm tra cả.”

“Chỉ cần chúng ta đảm bảo có người nhận nuôi chúng ở ngoài kia, chúng ta sẽ cứu được bọn trẻ!”

Tôi đứng lặng người trước kế hoạch táo bạo của anh ấy.

Anh ấy siết chặt tay.

“Niếp Lan, anh trước tiên là con người, sau đó là bác sĩ, cuối cùng mới là bác sĩ không biên giới.”

“Anh không thể để những đứa trẻ này chết được!”


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner