1.
Ta “chết” vào một ngày tuyết rơi tháng chạp năm Tấn An thứ tư.
Thật ra, ta đã bắt đầu lên kế hoạch cho “cái chết” của mình từ ba tháng trước.
Ban đầu, ta định chết nghẹn nên kêu Trần Hoài An đi mua mứt hoa quả.
Sau khi ăn hết mười tám gói mứt, ta nghẹn đến mức đỏ bừng cả mặt, bộ dạng trông như sắp tắt thở.
Nhưng không ngờ, Trần Hoài An lại chạy tới ôm chặt ta từ phía sau, nắm chặt tay đặt lên bụng ta, ép mạnh mấy lần, vậy là “phụt” một tiếng hạt táo rơi ra khỏi miệng.
Ta không chết được mà còn bị Trần Hoài An vô cớ ôm nửa ngày trời. Huynh ấy ôm ta rất chặt, chặt đến mức ta trợn tròn cả mắt, còn nghĩ không bị hạt táo nghẹn chết nhưng sắp bị ôm chết luôn rồi.
Huynh ấy ôm ta vào lòng, liên tục nói “Đừng sợ, đừng sợ” như đang dỗ một đứa trẻ vậy.
Sau khi nhổ hạt ra, ta còn chưa kịp nói câu nào mà đã thấy Trần Hoài An sợ đến mức hồn bay phách tán, hốc mắt đỏ ửng.
Ta vốn định nói vài câu vui đùa, nhưng khi thấy Trần Hoài An hoảng sợ như vậy thì lại không dám nói ra. Huynh ấy rối rít xin lỗi, nói rằng đáng lẽ không nên mua mứt hoa quả, còn mang vòng ngọc tổ truyền ra tặng cho ta.
Ta nghe người trong thôn bảo rằng tổ tiên đời trước của Trần Hoài An rất giàu có, vậy nên chiếc vòng này vô cùng quý giá. Họ nói quả không sai, chất ngọc sáng trong như thế này dù mang xuống đáy biển cũng sẽ được bán với giá rất cao.
Ta có chút xấu hổ, chỉ đành lặng lẽ loại bỏ phương án “chết nghẹn” này vì Trần Hoài An biết cách sơ cứu.
Vậy nên ta lựa chọn một phương án khác là “chết bệnh”.
Vào một ngày nọ, ta bắt đầu ho khan, trên chiếc khăn ta dùng để che miệng có dính máu.
Thực chất máu kia là do ta chế ra.
Ta nhổ tóc của san hô tinh, nghiền chúng thành phấn rồi hòa vào nước, tạo ra một thứ chất lỏng giống hệt như máu.
San hô đỏ che cái đầu trọc lóc của mình chạy đi, bảo rằng sẽ tìm cha ta đòi lại công đạo.
Nhưng ta cũng hết cách rồi mà, cha ta chính là người thúc giục ta nhanh cút về đáy biển.
Ta không hài lòng với màu của số máu giả ban đầu nên đã lén giấu những chiếc khăn tay đó đi, để chúng ở dưới gối đầu của mình.
Một ngày nọ, Hoài An phát hiện ra những chiếc khăn ấy.
Huynh ấy cầm chúng trên tay, ngẩn ngơ hỏi ta, giọng đầy đau khổ: “Có chuyện gì vậy Tống Tống?”
Bộ dáng chột dạ không dám nói lời nào của ta trong mắt Trần Hoài An lại biến thành ốm yếu bệnh tật không nói được.
Huynh ấy ôm ta vào lòng rồi khổ sở nói: “Chính là do ta mấy ngày nay quá tập trung vào khoa thi, không để ý đến thân thể của muội. Từ hôm nay trở đi, cứ để ta lo liệu mọi việc.”
Vì vậy, ngày hôm sau đến cơm ta cũng không phải nấu.
Nhưng thật ra ta vốn không hề nấu cơm.
Ngày nào ta cũng chạy ra bờ biển, chỉ cần gọi tên của ốc đồng tinh là bọn họ sẽ nhảy lên biến thành các mama, quét tước nhà cửa và nấu cho ta cả một bàn đồ ăn ngon.
Trần Hoài An không biết, vẫn luôn nghĩ rằng ta là người lo liệu mọi chuyện trong nhà gọn gàng, ngăn nắp.
Thế nên, bây giờ, ta không cần đi bộ ra bờ biển nữa.
Ta vuốt ve chiếc bụng càng ngày càng to ra của mình, mất luôn chút động lực vận động cuối cùng.
Khi phải lo việc bếp núc cơm nước hằng ngày, Trần Hoài An mới nhận ra rằng mấy chuyện vụn vặt củi gạo dầu muối này còn vất vả hơn cả việc tập trung đọc sách thánh hiền.
Huynh ấy đau lòng mà nói với ta: “Tống Tống à, ta không biết rằng ngày trước muội phải làm nhiều việc đến vậy. Muội đã vất vả nhiều rồi.”
Ta chột dạ đến mức mồ hôi ướt đẫm cả lưng. Huynh ấy lại mang cho ta một bát canh dưỡng sinh tẩm bổ: “Muội xem này, muội đã mệt đến mức đổ mồ hôi liên tục rồi.”
2.
Cho dù Trần Hoài An chăm sóc cẩn thận tỉ mỉ đến mức nào thì ta vẫn liên tục ho khan, càng ngày càng nặng.
Huynh ấy mời rất nhiều lang trung nhưng không một ai có thể chẩn ra bệnh của ta.
Đương nhiên không ra rồi, bởi vì ta giả bệnh mà.
Ta học được một từ rất hay, đó là “nằm yên”. Ta nằm yên trên giường suốt ngày, chỉ việc cơm tới há mồm.
Ngày nào ta cũng che người kín mít, không dám để Trần Hoài An phát hiện người của ta ở dưới chăn đang dần mập lên.
Trần Hoài An thấy ta nằm trên giường, người cuộn tròn như con chim cút nhỏ bé thì lại càng thêm đau lòng.
Ban ngày, ta luôn ngủ li bì nhưng thật ra ta không phải cố ý muốn làm vậy. Ta làm vậy cũng chỉ vì tối nào cũng phải đi xuống đáy biển gặp cha già nhà mình.
Ông đã hạ cho ta tận bốn mươi tám chiếc “tối hậu thư”.
“Ta nói cho con biết, con mà còn không về, ta sẽ mang toàn bộ trân châu trong phòng của con cho con rồng nhỏ khác!”
Tối nào, ta cũng phải làm công tác tư tưởng cho cha già nhà mình.
“Con sẽ về nhà ngay! Con thề! Con đảm bảo!”
Ta phải dỗ dành hầu hạ đến khi ông hài lòng thì mới quay về nhà.
Vì thế, ban ngày, ta phải ngủ bù.
Trần Hoài An không biết nguyên nhân, thấy ta “hôn mê bất tỉnh” cả ngày nên lo lắng, mày càng lúc càng nhíu chặt.
Có lần khi đang ngủ, trong lúc mơ màng ta nhìn thấy thân ảnh huynh ấy ngồi bên mép giường.
Trần Hoài An nói rất nhỏ, ta nghe không rõ ràng lắm:
“Tống Tống, xin lỗi muội, ta không thể cho muội một cuộc sống tốt đẹp, ta vẫn chưa đủ tư cách…”
“……Chờ ta thi xong, ta sẽ…….. ngay lập tức”
“……Chờ ta, cố gắng lên, ta chắc chắn sẽ vẻ vang tới….”
Huynh ấy nhẹ nhàng chỉnh chăn cho ta rồi rời đi.
Ta hồn nhiên quên mất chuyện này.
Cho đến khi, cha già của ta tức giận mang một trong 987 đồng vàng mà ta sưu tầm tặng hải mã tinh(*), ta bắt đầu lo lắng.
(*) Hải mã: cá ngựa
Ban ngày, Trần Hoài An nấu thức ăn xong, tới thư viện, ta gọi ốc đồng tinh vào bếp nấu thêm cho mình một ít thức ăb.
Không ngờ tới Trần Hoài An lại quay về sớm, ta còn chưa kịp ăn xong canh bí đỏ huynh ấy đã đẩy cửa vào.
Ta muốn trốn về giường nhưng lại vướng phải vạt váy, té ngã trên mặt đất.
Duy chỉ có bát canh bí đỏ trong tay vẫn vững vàng không đổ.
Ta chột dạ, run giọng nói với huynh ấy: “Canh bí đỏ, ngọt, huynh nếm thử….”
Trong mắt Trần Hoài An, ta lại biến thành một người đi được bảy bước thì ngã ba bước. Tuy thân thể ốm yếu bệnh tật nhưng vẫn tri kỷ nấu canh bí đỏ cho mình.
Trần Hoài An nhíu chặt mày, vội vã đỡ ta, đôi mắt đầy vẻ đau đớn: “Tống Tống, sao muội lại ngốc như vậy? Muội còn đang bệnh mà!”
Đúng lúc đó ta phun ra một búng máu: “….Ta biết mình là một người sắp chết, huynh không cần đau lòng như vậy.”
Ta tháo chiếc vòng ngọc mà Trần Hoài An tặng ở cổ tay, nói ra lời thoại trong nước mắt:
“Sau khi ta đi rồi, huynh hãy mang xác ta ném xuống sông An Giang, hãy nhớ, không cần mặc bất cứ bộ quần áo nào cho ta.”
“Khi đến đây thân không một món, bây giờ ta cũng muốn sạch sẽ rời đi….”
Trần Hoài An gấp gáp muốn ngắt lời, nhưng ta đã lập tức nghiêng đầu, phong bế ngũ quan và bất tỉnh.
Bởi vậy ta không nghe được tiếng khóc đau đớn đến lạc cả giọng của huynh ấy, cũng chẳng cảm nhận được những giọt nước mắt rơi trên “thi thể” của mình.
Bảy ngày sau, khi tỉnh lại, ta đã ở đáy sông An Giang.
Ta vốn định lên bờ nhìn thử nhưng lại sợ người khác thấy mình.
Dù sao ta cũng đã sống ở trên đấy được bảy, tám năm rồi, người trong thôn ai cũng biết mặt ta.
Năm ấy ta cãi nhau với cha nên trốn khỏi Long Cung đi ra ngoài, đi đến giữa sông thì mệt nên nghỉ ngơi chốc lát, đúng lúc ấy thì bị Trần Hoài An đi ngang qua nhìn thấy vớt lên.
Mấy năm nay, huynh ấy và dân làng vẫn luôn giúp đỡ, chăm sóc, đối xử rất tốt với ta, không nên làm “xác chết vùng dậy” dọa bọn họ làm gì.
Nhưng cuối cùng, rồng tính không bằng trời tính.