Ngoại truyện: Lâm Dịch
01.
Chi Chi của tôi chết rồi.
Lần cuối cùng em ấy nói chuyện với tôi là ngay bên ngoài căn nhà thuê cũ kỹ ấy.
Lúc đó, em đã ngồi trên xe lăn, ăn phải dùng thìa.
Em giúp tôi thắt cà vạt, nhưng ngay cả một nút thắt hoàn chỉnh cũng không làm xong.
Câu cuối cùng em nói với tôi là: “Trời ấm lên rồi, cũng phải giữ ấm, mặc thêm chút thì tốt hơn.”
Biết bao điều bất thường, lời chia tay rõ ràng đến vậy.
Vậy mà tôi không hề nhận ra, sao tôi có thể không nhận ra chứ?
Xuống lầu, vừa định lên xe thì tôi bỗng trượt chân ngã ngay trên nền đất.
Trái tim đập mạnh lạ thường, như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.
Như thể có một lực vô hình nào đó đang ghì chặt lấy tôi.
Mấy đứa trẻ chạy ngang qua, chỉ trỏ tôi mà cười lớn.
Một người đàn ông trưởng thành lại ngã sấp như vậy, trông thật buồn cười.
Tôi đứng dậy, mở cửa xe và bước vào.
Chợt nghĩ, hôm nay thật kỳ lạ.
Tan làm về có nên kể chuyện này như một câu chuyện hài để Chi Chi nghe không?
Không biết khi nghe, em ấy có cười không?
Hình như đã lâu lắm rồi, tôi chưa từng thấy em cười thật vui vẻ.
Rõ ràng trong ký ức của tôi, nhiều năm trước, em ấy là cô bé luôn thích cười nhất.
Cho đến khi em theo bố vào năm em mười hai tuổi, tiếng cười đã không còn trong ngôi nhà ấy, khiến mẹ và tôi đều không quen.
Tôi bỗng nghĩ, khi tan làm trở về, nhất định tôi sẽ cố gắng làm em cười một lần thật vui.
Tôi hy vọng em sẽ không còn xa cách như vậy, sẽ ở lại bên tôi như trước đây.
Giống như cách tôi nói với em rằng tôi đã thuê một hộ lý cho em.
Chỉ là muốn gián tiếp để em biết rằng, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để luôn chăm sóc em.
Em không cần phải lo lắng về việc chân bị thương mà gặp khó khăn trong sinh hoạt.
Ngay cả khi tôi đi làm, hộ lý cũng sẽ thay tôi chăm sóc em.
Tôi lái xe đến công ty, chờ đèn đỏ.
Tôi nhìn vào túi giấy tôi mang theo đặt ở ghế phụ.
Bên trong là chiếc áo khoác của Chi Chi.
02
Vài ngày trước, Chi Chi chăm sóc tôi trong bệnh viện, áo khoác của em dính đầy máu từ người tôi.
Em chỉ lo hỏi tôi có đau không, có khó chịu không.
Áo bị bẩn, em cũng chẳng để ý mà thay ra.
Tôi đã nhờ trợ lý mua cho em một chiếc áo mới, sáng sớm mang đến, rồi treo trên giá áo.
Giờ đây, thậm chí việc tự tay tặng em một món đồ cũng khiến tôi thấy lúng túng.
Nhưng cứ để nó treo ở đó, em sẽ hiểu khi nhìn thấy nó phải không?
Chiếc áo cũ tôi tiện tay mang lên xe, định ghé tiệm giặt khô.
Nếu vứt đi, không biết em có giận không.
Đèn đỏ hôm nay dường như lâu hơn mọi khi.
Trong lúc chờ, tôi với tay lấy chiếc áo khoác của em từ túi giấy ra.
Túi áo dường như có chút phồng lên, hình như có vật gì bên trong.
Là gì nhỉ?
Tôi thò tay vào túi, nhưng đèn giao thông vừa chuyển sang xanh.
Chiếc xe phía sau bấm còi, tôi vội đặt áo xuống và lái đi.
Vật bên trong túi áo rơi xuống thảm xe.
Hóa ra là một lọ thuốc vitamin C và một chiếc thẻ ngân hàng.
Chiếc thẻ đen có chút quen mắt, như một mũi nhọn đâm vào trí óc tôi.
Xe chạy qua ngã tư, chân tôi bỗng run lên, “Rầm” một tiếng, xe va vào đuôi xe trước.
Giao thông nhanh chóng rơi vào hỗn loạn, có người kích động gõ cửa sổ xe tôi.
Trong tiếng ồn ào không ngừng và đầu óc trống rỗng, tôi mơ màng cúi người xuống, nhặt lấy chiếc thẻ và lọ thuốc.
Mặt sau thẻ vẫn còn chữ ký của tôi.
Đó là chiếc thẻ tôi đưa cho Hiệu trưởng Đàm.
Giờ đây, nó lại nằm trong túi áo của Lâm Chi.
Như có một khuôn mặt dữ tợn hiện ra trong không khí, nhăn nhở nhìn tôi mà cười.
Một sự thật kinh hoàng bỗng nhiên từng chút một hiện lên trong đầu tôi.
Nếu Hiệu trưởng Đàm có thể đưa chiếc thẻ này cho Chi Chi…
Nếu đến tận hôm nay, hai người họ vẫn còn quen biết…
Nếu…
Cửa sổ xe bị gõ càng lúc càng mạnh, trước mắt tôi tối sầm lại.
Bao ký ức chợt ùa về, xô vào tâm trí tôi như những mảnh ghép tan nát.
Lâm Chi ngày còn là thiếu niên, đã giới thiệu tôi với bạn bè của em:
“Anh trai tôi là người thông minh nhất, cũng là người ngốc nghếch nhất.”
Ngày tôi tốt nghiệp trung học, Hiệu trưởng Đàm đã nói với tôi:
“Em gái cậu là người ngoan ngoãn và hiểu chuyện nhất.”
Hình ảnh lướt qua.
Là buổi sáng bên ngoài căn hộ cũ, Lâm Chi làm nũng và cười nói:
“Mộ của mẹ, anh không thể nói cho em biết ngay bây giờ sao, xin anh đấy.”
Những dây leo vô hình siết chặt lấy cổ họng tôi, ngày càng siết mạnh.
Tôi thở hổn hển, đôi tay run rẩy, vặn nắp lọ thuốc vitamin C.
Những viên thuốc trắng đổ tràn ra.
Đó là lọ thuốc an thần tôi mới được kê đơn vài ngày trước.
Bác sĩ đã dặn dò rất kỹ, chỉ cần nửa viên là đủ, tuyệt đối không được dùng quá liều.
Những viên thuốc vương vãi khắp nơi, như những con thú dữ dữ tợn xông vào tôi.
Sai rồi…
Tôi sai rồi…
Tất cả đều đã sai rồi…
3
Sau khi nhận lại tro cốt của Lâm Chi.
Tôi suy sụp đến ngất đi tại nhà và được trợ lý đưa vào bệnh viện. Kết quả chẩn đoán là trầm cảm nặng và suy nhược thần kinh. Khi bác sĩ dặn dò các điều cần lưu ý, tôi chỉ hỏi: “Nếu không tuân theo chỉ dẫn, thì bao lâu tôi sẽ chết?”
Sắc mặt bác sĩ lập tức trở nên nghiêm trọng: “Anh Lâm, tôi khuyên anh nên điều trị nội trú 24/24 ngay lập tức.”
Tôi từ chối lời khuyên đó, rời bệnh viện và trở về căn nhà thuê cũ.
Trên đường về nhà, tôi gặp Tống Hoài.
Anh ta đưa cho tôi một túi hồ sơ, giọng nói vừa đau khổ vừa mỉa mai:
“Trước khi qua đời, Lâm Chi đã nói rằng cô ấy hy vọng anh sẽ không biết gì cả. Như thế khi cô ấy đi rồi, lòng anh sẽ dễ chịu hơn. Nhưng tôi… không nỡ nhìn anh bị cô ấy lừa dối.”
Tôi ôm lấy túi hồ sơ, mơ màng trở về nhà.
Từng tài liệu rơi vãi trên bàn, cùng vài chiếc USB chứa đầy các đoạn ghi âm và video.
Chúng lưu giữ toàn bộ sự thật.
Mỗi thứ như một nhát dao cứa sâu vào tim tôi.
Bao năm qua, Lâm Chi đã hợp tác với Tống Hoài, từng bước lập kế hoạch đưa Lâm Trường Minh vào tù, thu thập toàn bộ bằng chứng cần thiết.
Những bản ghi chuyển khoản, các cuộc gọi và tin nhắn trò chuyện giữa Lâm Chi và Hiệu trưởng Đàm.
Ngày Lâm Trường Minh bị tuyên án chung thân ở phiên tòa đầu tiên, Lâm Chi rạng rỡ bước ra khỏi phòng xử án, đối diện với ống kính và vui mừng nói: “Có thể đi tìm anh trai rồi!”
Lâm Chi ở tuổi hai mươi ba, bỗng chốc trở lại như cô bé hơn mười tuổi ngày nào.
Nhưng lật tiếp từng trang tài liệu, tôi nhìn thấy báo cáo chẩn đoán căn bệnh ALS của em ấy.
Thì ra, em ngồi xe lăn không phải vì bị thương khi leo núi.
Vì vậy, việc em dùng muỗng ăn cháo không phải là sở thích, cũng không phải vì thích ăn cháo.
Lần đầu gặp lại sau bảy năm xa cách.
Tôi chỉ nghĩ đến việc xả hết nỗi hận, để tôi nhìn thấy em hối lỗi và chịu đựng trong suốt phần đời còn lại.
Nhưng tôi nào biết rằng em đã sớm chờ đợi cái chết.
Tống Hoài nói: “Thực ra, đơn hiến xác không cần chữ ký của người thân vẫn có hiệu lực. Cô ấy tìm đến anh, có lẽ là sợ hãi vì đột nhiên phát bệnh mà thôi.”
“Ngày hôm đó, có lẽ cô ấy muốn tìm anh để cầu cứu.”
“Nhưng anh lại nói với cô ấy, rằng đợi khi cô ấy thật sự chết rồi, không cần phải thông báo cho anh.”
“Cô ấy có lẽ còn định nói với anh điều gì đó, nhưng thế rồi lại thôi.”
Ngày hôm đó, có lẽ cô ấy thật sự muốn cầu cứu anh.
Cầu cứu anh…
“Thêm một điều nữa. Khi cô thật sự chết rồi, thì không cần báo cho tôi.”
Đó là câu trả lời em ấy nhận được.
Nhưng thực ra không phải như vậy, không phải như vậy…
Tôi chỉ là… Tôi chỉ là…
Tôi không biết…
Trong đêm dài lạnh lẽo, trong sự tĩnh mịch vô hạn, tôi ôm mặt khóc nức nở.
4
Ngày hôm đó, tôi chỉ không ngờ rằng.
Giấy hiến xác ấy, một thứ trông thật quá đỗi phóng đại, lại là sự thật.
Tôi chỉ oán trách Lâm Chi suốt bảy năm qua chưa từng đến gặp tôi một lần, chưa từng thắp một nén hương cho mẹ.
Mà quên mất, chính tôi đã từng nói với em ấy từ bảy năm trước rằng, từ nay về sau, tôi không muốn gặp lại em ấy nữa.
Tôi không biết rằng, vào cái đêm mẹ qua đời.
Lâm Chi chỉ vừa hay biết rằng Lâm Xương Minh định lợi dụng bữa tiệc náo nhiệt trên du thuyền đêm ấy để đàm phán một vụ làm ăn phi pháp lớn.
Vì vậy, em ấy đã cùng Tống Hoài chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chỉ cần đêm ấy không có sơ sót, là đủ để thu thập chứng cứ để đưa Lâm Xương Minh vào tù.
Thế nên, trong cuộc điện thoại ấy, em ấy đã lưỡng lự nói rằng ngày hôm sau mới có thể đến bên mẹ.
Nhưng sau khi ngắt máy, cuối cùng em ấy vẫn chọn từ bỏ phi vụ ấy, lập tức lên đường về nước trong đêm.
Dù đã đi với tốc độ nhanh nhất, nhưng đường xá xa xôi cộng với chuyến bay bị trễ, nên mãi đến trưa hôm sau em ấy mới đến được bệnh viện.
Nhưng tôi nào có để ý em ấy đã đi từ đâu đến, mà trong nỗi đau mất mát và cảm giác mất kiểm soát, tôi đã trút giận mà nói với em ấy rằng: “Đừng bao giờ để tôi thấy mặt cô nữa.”
Tôi chỉ đơn giản là, oán trách em ấy đã bỏ mặc tôi và mẹ.
Tôi chỉ là, thực sự chưa từng nghĩ đến rằng em ấy đã mắc bệnh nan y, sắp chết rồi.
Lần cuối cùng, Lâm Chi đã hỏi tôi về nơi an nghỉ của mẹ, em ấy muốn biết sớm hơn, nhưng tôi lại nhất quyết chờ đến sinh nhật của mẹ mới nói.
Chỉ vì trước khi mất, mẹ đã để lại một lời nhắn, rằng mẹ không mong muốn gì hơn, chỉ hy vọng rằng vào ngày sinh nhật của mẹ, nếu Lâm Chi muốn, anh em chúng tôi sẽ có thể cùng đến thăm mẹ một lần trước mộ, chỉ vậy thôi, là đủ.
Nhưng đã bảy năm trôi qua, dù chỉ một lần, tôi cũng chưa từng để mẹ mãn nguyện.
Giờ đây, cuối cùng tôi đã gặp lại Lâm Chi.
Tôi rất sợ rằng mình sẽ lại làm mẹ thất vọng.
Tôi sợ rằng nếu Lâm Chi biết được mộ mẹ ở đâu sớm hơn, thì đến ngày sinh nhật mẹ, có lẽ em ấy sẽ chẳng đến nữa.
Tôi luôn dùng những ý nghĩ tệ nhất để đoán xét em ấy.
Luôn nghĩ rằng, có lẽ sẽ có ngày nào đó, em ấy sẽ lại một lần nữa, ích kỷ và tàn nhẫn mà bỏ mặc tôi và mẹ.
Mà không hề hay biết, rằng kẻ ích kỷ và tàn nhẫn đó, chưa từng là em ấy.
Không hề biết rằng, ở những nơi tôi không thấy được, Lâm Chi của tôi, đã phải chịu đựng biết bao nhiêu, phải chịu đựng biết bao nhiêu ấm ức một mình.
Nhưng, đã quá muộn rồi, quá muộn rồi…