Dứt lời, ông lao mình về phía lưỡi đao trong tay ngự lâm quân. Máu bắn tung tóe, cơ thể ông mềm oặt ngã xuống nền đá xanh.
“Cha…”
Ta gào lên thảm thiết, lao đến quỳ xuống bên ông.
“Cha ơi, sao phải làm thế? Sao lại đến mức này?”
Ta ôm chặt lấy ông, run rẩy áp tay lên cổ ông để cầm máu. Nhưng dòng huyết đỏ nóng bỏng vẫn trào ra từ kẽ ngón tay ta.
“Con gái ngoan, đừng khóc… là cha có lỗi với con… lâu rồi không gặp con…”
Ông run rẩy đưa tay lên, muốn lau nước mắt cho ta, nhưng bàn tay chưa kịp chạm vào mặt ta đã yếu ớt rơi xuống.
Ngay trong lòng ta, ông đã trút hơi thở cuối cùng.
“Thanh Thanh!”
Ninh Hoài vội vàng lao đến, quỳ xuống bên cạnh ta, giọng đầy lo lắng: “Thanh Thanh, nàng buông tay ra, để ta xem thử, có lẽ vẫn còn cứu được!”
Nước mắt ta tuôn rơi như mưa, nghẹn ngào đáp: “Hoài ca, chàng đã từng thấy người ta giết lợn chưa? Khi đã cắt vào cổ, máu chảy xiết, chỉ trong chốc lát, con lợn sẽ chết hẳn. Chàng là tướng quân, sao còn nhìn không ra sống chết của một người?”
20
Màn kịch này khép lại bằng cái chết của cha ta và năm ngàn lượng bạc do Ninh Hoài quyên tặng.
Nhờ vậy, ta và đại bá cũng thoát khỏi cảnh ngục tù.
Vừa về đến nhà, Ninh Hoài bất ngờ nghiêng người ôm lấy ta, lặng lẽ siết chặt thật lâu.
Ta ôm lấy eo chàng, ngẩng đầu nhìn lên, nước mắt chầm chậm rơi xuống. “Hoài ca, chân chàng đã khỏi rồi, sao chàng lại giấu ta?”
“Ta vốn định chờ đến sinh thần của nàng để cho nàng một bất ngờ. Trước đó, ta cố ý nhờ Ngũ công chúa dẫn nàng ra ngoài, còn bản thân thì ngày ngày chống gậy tập đi.”
“Chàng thật cao… Sao mà lúc ngồi, lúc nằm và lúc đứng lại khác nhau đến vậy?”
“Trước kia, ta luôn phải cúi nhìn chàng. Bây giờ chàng cao như vậy, ta lại phải ngẩng đầu nhìn.”
“Ngày trước, khi chàng ngồi xe lăn, ta đứng cũng không thể nắm tay chàng, càng không thể ôm chàng thật chặt.”
Ta không kìm được nữa, bật khóc nức nở. “Hoài ca, ta không phải tham vinh hoa phú quý mà cố nhận mình là con cái Vệ gia đâu. Ta thực sự là đứa con của Vệ gia, chỉ là bọn họ không cần ta. Ta biết ta không còn cách nào khác, nhưng tại sao… tại sao ta vẫn đau lòng đến vậy?”
Ninh Hoài giơ tay áo lau nước mắt cho ta, dịu giọng nói: “Ngoan, đừng khóc nữa. Nàng là Vệ Yên Thanh cũng được, Lý Yên Thanh cũng tốt, không khác biệt gì trong mắt ta cả.”
“Bọn họ không cần nàng cũng tốt. Từ nay về sau, nàng chỉ thuộc về một mình ta mà thôi, ai cũng đừng mong giành lấy thời gian và sự chú ý của nàng nữa.”
Ninh Hoài cùng ta trở về thôn cũ, lo liệu tang sự cho cha.
Đại bá nói, trước kia ông và cha đắc tội với huyện lệnh, không thể tiếp tục sống trong huyện thành. Vệ Loan đã lén mua cho họ một căn nhà nhỏ, đôi khi cũng tới thăm nom.
Đại bá xoa đầu ta bằng bàn tay thô ráp, thở dài: “Nha đầu, thật ra, hắn làm ra chuyện hoán đổi trẻ con dơ bẩn như vậy, để con chịu khổ bao năm trời, Vệ đại nhân có giết chúng ta cũng đáng. Hắn chết như vậy, không liên lụy đến con, cũng coi như đáng giá.”
“Đừng trách cha con không nhận con. Hắn nói rồi, nếu chúng ta phơi bày chân tướng, Vệ gia sẽ tiêu tan, mà con cũng không giữ được mạng. Hắn bảo, phu quân của con từng làm đại quan, có lẽ hoàng thượng sẽ không động đến con. Chúng ta bị bắt vào ngục thì cũng chẳng sao. Nhưng ai ngờ, vừa nghe tin con sắp bị bắt, hắn đã cuống lên…”
“Sau này ta ở lại thôn trồng trọt, nếu rảnh rỗi sẽ đến thăm con. Được rồi, theo phu quân con về đi, sống cho tốt.”
“Nha đầu, tha thứ cho cha con đi, hắn vẫn luôn nhớ con.”
Xe ngựa lăn bánh rời khỏi thôn, ta ngoái đầu nhìn bóng dáng đại bá đứng ở đầu thôn tiễn ta, nước mắt không kìm được mà trào ra.
Từ nay, ta không còn cha nữa.
Trước kia ta hận ông biết bao…
Ông đặt cho ta cái tên Yên Thanh.
Ông nói tên ta mang ý nghĩa hoa nở rực rỡ, hậu sinh khả úy (trò giỏi hơn thầy).
Về lại Vệ gia, ta mới hay, hóa ra nữ nhi nhà họ Vệ đều mang chữ “Nữ”, còn nam nhân thì mang chữ “Thanh”.
Thì ra, ngay từ đầu, ông đã biết rõ thân phận thực sự của ta.
Sau này, ta sống trong căn nhà lộng lẫy của Vệ phủ, có không biết bao nhiêu y phục và trang sức rực rỡ.
Nhưng mỗi khi nhớ đến đôi tay đầy vết nứt vì giá rét mùa đông, nhớ đến những ngày quét dọn, nấu nướng, giặt giũ, chăn nuôi lợn vất vả, nhớ đến những lần khóc lóc đòi cha kể chuyện về mẹ, hay nhớ đến ánh mắt hoài nghi của láng giềng khi họ nói ta chẳng giống cha chút nào, thì niềm vui hư ảo kia liền tan biến trong thoáng chốc.
Đáng lẽ, ta cũng nên có một cuộc đời gấm vóc lụa là, nhưng vì cớ gì, ta lại không thể nguôi ngoai?
Mỗi lần trông thấy Vệ Loan tài mạo xuất chúng, lòng ta lại bị bóp nghẹt bởi sự ghen tị và đau đớn.
Ta với Vệ gia như nước với dầu, chẳng thể hòa hợp. Ta thường lặng lẽ rơi nước mắt trong bóng tối.
Ta hay mơ thấy cha, mơ thấy dải lụa cột tóc màu tùng xanh quý giá mà cha mua cho ta.
Ta nhớ cha từng mua dầu hoa quế, phấn tuyết, vòng bạc nhỏ và khóa trường mệnh cho ta.
Ta nhớ cha đã cầm tay ta, nắn nót từng nét chữ, dẫn ta đến thư quán đọc sách để hiểu đạo lý.
Trước đây, ta thường giúp cha trông coi thư quán, nhưng về sau có quá nhiều nam nhân tìm đến chỉ để nhìn ta, khiến cha giận dữ, không cho ta đến đó nữa.
Vậy nên ta theo đại bá giết lợn, bán thịt. Nhưng ta chẳng giết nổi lợn, chỉ có thể ôm chậu hứng máu mỗi khi đại bá và các thúc thúc hợp lực làm việc.
Những cô nương nhà khác chẳng ai như ta. Họ có thể ngày ngày ăn thịt lợn, còn ta, chỉ được phép ăn một bát nhỏ.
Năm đó, cha giấu hai dải lụa tùng xanh sau lưng, cố ý làm ra vẻ thần bí, bắt ta đoán xem ông đã mua gì cho ta.
Ta vui vẻ cười đùa, quấn lấy cha, cố gắng tách tay ông ra để giành lấy dải lụa.
Mãi sau này mới biết, hai dải lụa ấy là cả một năm tiền lời của cha. Khi hay tin, ta vừa khóc vừa mắng ông cả buổi chiều, vậy mà cha chỉ cười ngây ngô, chẳng để bụng.