21.
Anh ấy như tìm được một thú vui mới.
Từ đó, mỗi lần gặp tôi, anh ấy đều quan sát vài giây.
Rồi nói: “Hôm nay tâm trạng tốt nhỉ?”
Hoặc là: “Ai chọc em giận rồi à?”
Tôi vừa bất lực vừa buồn cười.
Không nhịn được hỏi: “Anh rốt cuộc làm sao nhìn ra được thế?”
Anh ấy gối đầu lên tay.
“Tôi có một đứa em trai, ở vài khía cạnh, nó khá giống em, đều thích giấu cảm xúc vào trong.”
Nhắc đến gia đình, tôi bỗng im lặng.
“Anh ở đây, gia đình không lo lắng cho anh sao?”
Anh ấy bình thản lắc đầu.
“Chúng tôi đã cắt đứt quan hệ rồi.”
“Tại sao??”
Tôi không giấu nổi sự ngạc nhiên.
“Vì tôi không muốn nghe lời họ nữa.”
“Họ kiểm soát rất đáng sợ, từ nhỏ đã ép tôi làm cái này, cái kia. Dám phản kháng một câu là bị đánh.”
“Tôi nghe lời họ học y, vào bệnh viện, nhưng họ vẫn không hài lòng, ép tôi tiếp tục cố gắng leo lên cao hơn, để làm rạng danh gia đình.”
“Tôi không muốn sống như thế nữa. Tôi chỉ muốn làm những việc thuần túy.”
“Làm bác sĩ không biên giới là trở về với bản chất của nghề y, cứu người, tôi rất thích.”
Anh ấy thở dài một hơi.
“Hầy, nói thế chứ, tôi vẫn thấy có lỗi với em trai.”
“Hồi nhỏ tôi không chịu nghe lời, nên họ sinh thêm nó, để lỡ tôi thất bại, họ còn có phương án dự phòng.”
“Sau khi tôi bỏ đi, nó bị ép đi theo con đường tôi từng đi.”
“Dù nó rất nghe lời, nhưng tôi biết, nó cũng rất mệt mỏi.”
“Tôi nghe nói sau này nó yêu một cô gái khá phóng khoáng, nhưng cũng bị họ phá đám…”
Lần đầu tiên tôi nghe anh ấy nhắc đến gia đình, không ngờ lại đầy chua xót như vậy.
Chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau, không ai nói gì trong chốc lát.
Rồi anh ấy hỏi:
“Còn em thì sao? Sao em lại đến đây làm phóng viên chiến trường?
“Gia đình em không lo lắng sao?”
22.
Có lẽ vì anh ấy đã thành thật chia sẻ câu chuyện gia đình của mình trước, nên tôi cảm thấy việc mở lời cũng không còn quá khó khăn nữa.
Tôi ngập ngừng, rồi nói:
“Mẹ tôi mất rồi, còn bố… cũng giống anh, đã cắt đứt quan hệ.”
Năm đó, mẹ tổ chức tang lễ.
Rất nhiều người đến, đông nghịt cả một góc.
Người chủ trì đọc bài điếu văn rất dài.
Tôi không nghe rõ hết, chỉ lơ đãng giữa chừng.
Một con bướm bay vào linh đường, đậu lên di ảnh của mẹ.
Đôi cánh nó khẽ rung động, làm bức ảnh như sống lại.
Tôi nhìn mẹ cười với tôi, liền cũng mỉm cười theo.
Nhưng giây tiếp theo, tôi bị bố tát ngã xuống đất.
Ông gào lên: “Mẹ mày chết rồi! Sao mày còn cười được hả?”
Mọi người đều nhìn tôi, như thể tôi là một quái vật.
Tôi òa khóc.
Ông lại tát tôi thêm một cái.
“Tao còn chưa khóc! Mày khóc cái gì!”
“Nếu còn khóc nữa, tao sẽ đuổi mày ra ngoài! Không cần mày nữa!”
Khoảnh khắc đó, tôi sợ hãi vô cùng.
Nước mắt đọng trong hốc mắt, môi tôi bị cắn đến bật máu, không dám bật ra một tiếng nào.
Năm đầu tiên mẹ qua đời, bố thường ngồi giữa phòng khách vào nửa đêm, lật giở những bức thư và tấm ảnh cũ.
Đến năm thứ hai, ông gói tất cả đồ đạc của mẹ vào vài chiếc hộp giấy, xếp vào góc phòng, để mặc chúng bám bụi.
Sang năm thứ ba, ông tái hôn.
Dì kế mới đến đã vứt những chiếc hộp ấy ra sân, định châm lửa đốt sạch.
Tôi cố gắng lục tìm, cứu ra chiếc máy ảnh, ôm chặt vào lòng, đến mức bị bỏng khắp người.
Từ đó, mẹ tôi chỉ còn lại duy nhất kỷ vật này.
Sau đó, em gái tôi ra đời.
Mọi tình yêu và sự quan tâm trong nhà đều dành cho con bé.
Tôi như một người vô hình, sống trong nhà đến năm 18 tuổi.
Rồi đi học đại học, chuyên ngành báo chí.
Ngày nhập học, bố rút ra một xấp tiền dày, ném cho tôi.
“Mày lớn rồi, sau này đừng về nữa.”
Tôi đếm được ba mươi ngàn.
Ba mươi ngàn tệ, đổi lấy huyết thống của chúng tôi.
Khi vào đại học, thầy cô và bạn bè đều nói rằng tôi rất hợp làm phóng viên.
Vì dù gặp bất cứ chuyện gì, tôi cũng có thể giữ vẻ mặt thản nhiên.
Sau khi tôi trở thành phóng viên chiến trường, điều này càng trở thành lợi thế.
Họ ngưỡng mộ khả năng kiểm soát tâm lý của tôi.
Nhưng chỉ có tôi biết, là vì tôi không dám.
Tôi luôn tự hỏi, nếu ngày đó tôi không cười trong linh đường, liệu bố có không bỏ rơi tôi hay không?
Tôi đã quen việc đè nén mọi cảm xúc của mình.
Không dám nghĩ, nếu tôi một lần nữa bật cười thoải mái, hoặc lại khóc thêm một lần.
Tôi sẽ mất thêm điều gì nữa.
…
Kể đến đây, tôi nhẹ nhàng thở ra một hơi.
Những chuyện này đã đè nén trong lòng tôi nhiều năm, lần đầu tiên được thổ lộ với một người.
Kỷ Trừng cau mày rất chặt.
Khóe miệng thường trực nụ cười của anh ấy, lúc này đã trĩu xuống.
Anh ấy nghiêm túc nói:
“Niếp Lan, em có phải đã quên, khi đó em chỉ là một đứa trẻ năm tuổi?”
Tôi bối rối: “Sao cơ?”
“Khóc và cười lớn là đặc quyền của trẻ con.”
“Em dốc sức kìm nén bản thân, chỉ vì em chưa từng được phép làm một đứa trẻ.”