15.
Bùi Uyên là con trai độc nhất của nhà họ Bùi.
Nhà họ Bùi gia thế hiển hách, sự nghiệp to lớn, tuyệt đối không thể chấp nhận một người thừa kế có khiếm khuyết.
Huống chi, đó lại là một đứa trẻ câm.
Tôi vốn thích trẻ con, nhưng tôi hiểu rõ một điều, chỉ cần có một đứa trẻ khác ra đời, Bùi Tư Ngôn nhất định sẽ hoàn toàn bị bỏ rơi.
Tôi từ chối.
Thế là những trưởng bối nhà họ Bùi vốn đã không thích tôi, lại càng thêm thất vọng và căm ghét tôi đến tận xương tủy.
Không ai thích tôi, cũng không ai thích đứa con trai ngốc nghếch do tôi sinh ra.
Suốt một khoảng thời gian rất dài, tôi một mình chăm sóc Bùi Tư Ngôn.
Dẫn nó đi gặp bác sĩ tâm lý, thuê bảo mẫu, tìm đủ mọi cách dỗ dành để nó chịu mở miệng nói chuyện.
Còn phải lo chữa bệnh tim cho nó, chế độ ăn uống tôi đều tự tay chăm lo, chỉ sợ có một chút sơ suất.
Mãi đến năm bốn tuổi, Bùi Tư Ngôn mới lần đầu tiên mở miệng nói chuyện.
Tiếng đầu tiên nó gọi, chính là “bố.”
Tôi mừng đến phát khóc, vội vàng ghi âm lại, rồi gọi ngay cho Bùi Uyên để anh ấy nghe.
Bùi Uyên mất kiên nhẫn treo máy, cả nhà họ Bùi không ai quan tâm.
Một đứa trẻ bốn tuổi, lần đầu tiên gọi “bố” thì có gì đáng kinh ngạc chứ, họ còn cảm thấy chuyện này thật nực cười.
Nhưng tôi thì thật sự rất vui.
Hôm đó, tôi ôm Bùi Tư Ngôn trong lòng, một mình ngồi khóc trong phòng rất lâu.
Tôi khóc đến không thành tiếng, tôi nói:
“Mẹ yêu con.”
“Dù cả thế giới có vứt bỏ con, mẹ vẫn sẽ cần con.”
Đứa bé dựa vào lòng tôi, như thể đã hiểu được điều gì đó, vui vẻ và ngoan ngoãn gọi thêm mấy tiếng “bố”.
Kể từ ngày hôm đó, suốt nửa năm sau, nó cứ thế mà dùng từ duy nhất mình học được để gọi tôi.
Thằng bé gọi, tôi liền đáp lời.
Tôi đã từng yêu thương nó bằng tất cả trái tim, từng mong muốn dành cả sinh mệnh này để bảo vệ nó.
Thế nhưng, đến năm nó tám tuổi, sau khi đã nghe quá nhiều những lời nói xấu về tôi từ miệng người nhà họ Bùi.
Cuối cùng, nó cũng chọn tin họ.
Lần đầu tiên hỏi tôi trong đau đớn:
“Tại sao mẹ lại là mẹ của con?”
Không ai biết rằng, lúc ấy trái tim tôi đã đau đớn khổ mức nào.
Khi nó ở giai đoạn tệ hại nhất, khi tất cả mọi người đều muốn bỏ rơi nó, chỉ có mình tôi che chở cho nó.
Đến khi nó bắt đầu biết nói, bắt đầu dần trở nên xuất chúng, mọi người cuối cùng cũng bắt đầu chú ý đến nó.
Chấp nhận nó, vây quanh nó, tâng bốc nó, nó lại vứt bỏ tôi.
Nó mãi mãi sẽ không bao giờ hiểu được câu nói “Con hy vọng có thể đổi một người mẹ không tệ hại như mẹ” đã sắc bén đến nhường nào, xuyên thủng trái tim tôi ra sao.
Tôi tỉnh dậy khỏi cơn mê man.
Cửa sổ không đóng chặt, gió lạnh thổi vào phòng.
Trên mặt tôi ẩm ướt, bị gió lùa qua, lạnh buốt đến tê dại.
Khi tôi ngồi dậy từ trên giường, lồng ngực bỗng thắt lại, khó thở vô cùng.
Thì ra, dù đã chán chường đến cực điểm, dù đã hoàn toàn buông bỏ, trái tim này vẫn thỉnh thoảng nhói đau.
16.
Cuộc thi ở huyện diễn ra rất suôn sẻ.
Lần đầu tiên đi xa để thi đấu, dù bọn trẻ không giành được giải nhất, nhưng vẫn có một giải nhì, một giải năm.
Ba em khác cũng lọt vào top hai mươi và nhận được giải khuyến khích.
Tôi dẫn theo một nhóm trẻ con hò reo vui sướng, bước lên bục trao giải đơn sơ với những bông hoa nhựa trang trí.
Nghe MC xướng tên mình:
“Giáo viên hướng dẫn, Tang Ninh.”
Bên dưới, khán giả vỗ tay chúc mừng tôi và các học trò của mình.
Những năm qua, tôi đã từng nhiều lần đứng trên sàn đấu giá, bục trao giải, mang theo những tác phẩm của mình.
Chúng giành giải thưởng lớn, bán với giá cao.
Nhưng những người bên dưới chỉ nịnh bợ mà quay sang chúc mừng Bùi Uyên:
“Chúc mừng anh Bùi.”
Có người bỏ hàng triệu để mua tranh của tôi, sau đó lại khoe khoang với người khác:
“Vợ anh Bùi vẽ đấy.”
“Ai cơ? Anh Bùi nào? Ở Hải thị thì còn anh Bùi nào khác?”
“Người vẽ là ai? Ồ, bà Bùi ấy mà. Tên gì ấy nhỉ? Không rõ.”
Đã từ rất lâu, rất lâu rồi, tôi chưa từng được đứng trên sân khấu, để có ai đó gọi thẳng tên tôi.
Tang Ninh.
Tôi nắm chặt tay bọn trẻ, cúi đầu cảm ơn khán giả bên dưới.
Nở một nụ cười rạng rỡ, lòng tràn đầy hạnh phúc.
Lúc chuẩn bị xuống sân khấu, tôi mới chú ý đến góc xa, nơi có hai bóng người quen thuộc.
Họ ngồi hai phía đối diện của khán đài, cách nhau một khoảng xa nhất có thể.
Nhưng ánh mắt lại cùng lúc dõi về phía tôi.
Ở một thị trấn nhỏ như thế này, không ai biết đến vị tổng tài danh tiếng lẫy lừng của tập đoàn Bùi thị.
Cũng không ai nhận ra thiên tài toán học nổi tiếng từ khi còn trẻ.
Nơi đây, ai cũng chỉ là những con người bình thường.
Dù là ước mơ nhỏ bé đến đâu, hay thành tựu ít ỏi thế nào, cũng đều đáng được tôn trọng.
Tôi nhìn thấy trong ánh mắt họ sự mất mát và hoài nghi.
Có lẽ họ mãi mãi không thể hiểu được, một giải thưởng nhỏ như vậy, thì có gì để tôi vui đến thế?
Sau khi nhận giải xong, tôi dẫn bọn trẻ rời khỏi sân thi đấu.
Lúc này, Bùi Tư Ngôn đột nhiên đuổi theo.
Tôi đang nắm tay một bé gái thì bị thằng bé chặn lại.
Cô bé dường như bị dáng vẻ nghiêm nghị của thằng bé dọa sợ, khẽ lùi về sau, trốn sau lưng tôi.
Bùi Tư Ngôn nhìn tôi hồi lâu, rồi nhẹ giọng, không vui mà nói một câu:
“Quần áo đó hình như là của con.”
Thằng bé đang nói đến bộ đồ thể thao màu trắng mà cô bé đang mặc.
May mắn là tiếng ồn xung quanh khá lớn, cô bé bên cạnh tôi chắc là không nghe thấy.
Đêm hôm đó, khi tôi cho bọn trẻ ngủ lại nhà mình, cô bé đã rất thích bộ quần áo mà tôi đưa cho.
Đứa nhỏ không chê bai, lại còn nói thích, nên tôi liền tặng nó.
Bùi Tư Ngôn miệng thì nói về bộ quần áo, nhưng ánh mắt thì lại chăm chăm nhìn vào bàn tay tôi đang nắm lấy tay cô bé.
Tôi lạnh giọng:
“Nếu không có chuyện gì thì tránh ra.”
Bùi Tư Ngôn trông như bị ấm ức, mắt lập tức đỏ hoe:
“Con… con muốn về nhà ông ngoại cùng mẹ.”
“Con đã nói với bố rồi, con không về nhà họ Bùi nữa…”