5.
Ban đầu, tôi thật sự chỉ định dẫn Kỳ Phong đi quanh làng một vòng, sau đó nói với anh rằng không có ai ở đây cả, rồi bảo anh rời đi là được.
Nhưng anh thật sự lại dám nghĩ dám làm. Sáng hôm sau, anh đứng ngay giữa chuồng gà nhà tôi và giúp tôi cho gà ăn.
“Thì ra không phải sân bay, mà là chuồng gà.”
Anh cúi xuống, lấy một nắm cám, xòe tay ra để đàn gà con chạy đến mổ.
Nếu cảnh tượng là mèo hay chó thì có thể gọi là dễ thương.
Nhưng là gà thì… tôi không dám đánh giá.
Kỳ Phong xoa đầu một con gà con, mỉm cười nói:
“Dễ thương quá, mẹ của chúng mày đâu rồi?”
“Anh đã khen mẹ của chúng rồi.”
“Hả?”
“Ở trên bàn ăn hôm qua, cậu khen thịt gà quê ngon, nhai rất đã miệng.”
Kỳ Phong đơ người.
Tôi rải hết phần thức ăn cho gà thật nhanh, hoàn thành nhiệm vụ, bỏ mặc anh đang đứng bần thần ở đó.
Gần đến giờ ăn trưa, bởi vì mấy hôm nay bà ngoài không được khoẻ nên tôi nấu cháo cho bà. Nhưng khi mở nắp nồi ra xem thì hoàn toàn c.h.ế.t lặng.
“Cả một nồi cháo to của tôi đâu rồi?”
Kỳ Phong từ ngoài đi vào, vẻ mặt đầy kiêu hãnh, chờ được khen ngợi.
“Sáng nay cô nói phải cho lợn ăn nữa, tôi thấy cô có nhiều việc quá nên đã giúp cô chia sẻ bớt công việc rồi.”
Tôi chạy ra sân, mở nắp nồi thức ăn cho lợn.
Hay lắm, cả nồi cám vẫn còn nguyên, nhưng lợn đã ăn no, trong máng còn sót lại một ít cháo loãng.
Kỳ Phong cũng dần hiểu ra vấn đề.
Anh bối rối gãi đầu, lúng túng nói:
“Mấy cái nồi này không phải đều giống nhau sao?”
Tôi dắt anh đi nhìn từng cái một:
“Đây là nồi nấu cám lợn, đây là nồi nấu thức ăn cho người, còn đây là…”
“Tôi biết rồi! Là nồi nấu thức ăn cho gà!”
“Là nồi để đun nước tắm.”
“Tắm trong nồi?”
“Đúng vậy, bên dưới đốt lửa, trong nồi đặt một chiếc ghế nhỏ. Mùa đông ở làng Tiểu Lan lạnh lắm, mấy chục năm nay, mọi người đều tắm như vậy.”
Kỳ Phong trông như bị sốc văn hóa.
Tôi bổ sung thêm:
“Ở đây không giống với vùng quê mà anh tưởng đâu. Nó còn lạnh hơn nhiều, còn nghèo hơn anh nghĩ. Anh sẽ không quen được đâu, đi về đi.”
“Thế sao cô không đi?”
Tôi khựng lại.
Kỳ Phong nhìn tôi, ánh mắt có chút sâu xa:
“Chắc cô cũng từ thành phố trở về đúng không? Sáng nay tôi nghe thấy cô trốn trong chuồng gà nói chuyện công việc, tiếng Anh lưu loát, trao đổi với một đối tác về thương mại quốc tế?
Sao cô không đưa bà ngoại rời khỏi nơi này, với năng lực của cô, điều đó đâu có khó?
“Mà khoan… trước đây cô làm ở thành phố nào?”
Tôi nhìn anh, cảm giác như bị vạch trần hoàn toàn.
Mồ hôi lạnh toát ra sau gáy.
“Đại Hoa! Chuyện lớn rồi!”
Bên ngoài bỗng có tiếng người gọi.
6.
Tôi chớp lấy cơ hội, lập tức chạy ra ngoài.
“Chuyện gì vậy?”
Ở ngoài cửa, bà Ngô – một cụ già trong làng – đang đứng với vẻ mặt lo lắng:
“Đại Hoa à, hình như bà gặp phải chuyện không hay rồi!”
Bà Ngô sống một mình, tính tình hiền lành, lúc nào cũng cười nói vui vẻ. Bà thích ngồi ở cửa sưởi nắng, thấy trẻ con chạy qua thì chia kẹo, nên cả làng ai cũng quý bà.
Bà có thể gặp phải chuyện gì chứ?
Tôi vội an ủi:
“Bà đừng lo, có chuyện gì cứ nói cháu nghe.”
Bà Ngô kể rằng, gần đây cứ đến 11 giờ đêm, trong phòng bà luôn vang lên tiếng trẻ con gọi “bà ơi”.
Giọng nói vang vọng khắp phòng làm bà không ngủ nổi.
Bà đã thắp hương nhiều ngày mà vẫn không có tác dụng.
Tôi suy nghĩ một lúc rồi quyết định tối nay qua nhà bà xem sao.
Khi nói chuyện với bà ngoại, bà ngoại chỉ vào Kỳ Phong rồi nói:
“Cháu rể, cháu đi theo Đại Hoa nhé.”
Tôi trợn tròn mắt:
“Bà ơi, anh ấy không phải!”
“Sao lại không phải?”
Bà chỉ vào bức ảnh cưới cũ kỹ của ba mẹ tôi treo trên tường: “Hai đứa cưới lâu rồi còn gì, định gạt bà chắc?”
Tôi quay sang nhìn Kỳ Phong, anh dường như hiểu ra vấn đề, lập tức đồng ý:
“Bà cứ yên tâm, cháu sẽ đi theo Đại Hoa.”
Trên đường đến nhà bà Ngô, tôi giải thích:
“Dạo này trí nhớ của bà ngoại tôi không tốt, nhiều lúc hơi lẫn. Tôi từng muốn đưa bà đi nơi khác sống, nhưng bà không chịu.”
“Vậy đây là lý do cô ở lại làng Tiểu Lan?”
“Cũng không hẳn.”
Tôi ngừng lại một chút.
“Lát nữa anh sẽ hiểu.”