Bà Ngô nói âm thanh kỳ lạ đó chỉ xuất hiện đúng 11 giờ đêm.
Chúng tôi ngồi trong phòng chờ đợi.
Bà sợ chúng tôi lạnh, liền đốt bếp than hồng trong phòng khách, tôi tiện tay bỏ hai củ khoai lang vào. Kỳ Phong ngồi bên cạnh, có vẻ căng thẳng.
Tôi chợt nảy ra suy nghĩ:
“Không phải anh sợ đấy chứ?”
“Ha, ai sợ chứ?”
Anh lôi điện thoại ra: “Tôi có một người bạn làm đạo sĩ, tôi nhờ cậu ấy phân tích giúp…”
Nói được nửa câu, anh bỗng dưng im bặt, màn hình điện thoại sáng soi rõ khuôn mặt trắng bệch của anh.
“Sao lại không có sóng?”
“Ở trong núi không có sóng là bình thường mà.”
Kỳ Phong lặng lẽ nhích lại gần tôi một chút.
Tôi thấy tay anh lén lút bấu vào vạt áo tôi.
Tôi bị dáng vẻ này của anh làm cho bật cười.
Anh quay sang nhìn tôi, bâng quơ nói:
“Lần đầu tiên thấy cô cười đó, cười nhiều một chút đi, nhìn đẹp hơn đấy, đừng suốt ngày giả vờ lạnh lùng.”
Lòng tôi như có gì đó khẽ rung lên.
Không biết vì sao, dù là qua mạng hay ngoài đời, tôi vẫn thấy anh đáng yêu đến lạ.
Không được, phải nhanh chóng rời lực chú ý mới được.
Còn một phút nữa là 11 giờ, bà Ngô từ trong phòng gọi tôi: “Đại Hoa! Nó lại đến rồi!”
7.
Tôi vội vàng chạy vào phòng, Kỳ Phong cũng theo sát phía sau.
Bà Ngô bật hết đèn trong phòng lên, còn đốt hai cây nến.
Đúng 11 giờ, âm thanh kỳ lạ lại vang lên:
“Bà ơi, cháu chúc bà năm mới vui vẻ! Bà ơi, cháu chúc bà năm mới vui vẻ!”
Giọng nói vô cảm, vang vọng trong đêm khuya, nghe vừa rợn người vừa… ngốc nghếch.
Tôi và Kỳ Phong nhìn nhau, cùng thở phào nhẹ nhõm.
Tôi chỉ vào góc giường:
“Anh tìm ở bên kia, tôi tìm ở bên này.”
Bà Ngô mặt đầy nghi hoặc.
Cuối cùng, tôi mò xuống gầm giường, luồn tay vào khe hở nhỏ… lôi ra một chiếc điện thoại.
Màn hình vẫn đang sáng, điện thoại vẫn đang rung.
“Bà ơi, cháu chúc bà năm mới vui vẻ!”
Bà Ngô lập tức nhận ra:
“Đây là điện thoại của thằng cháu trai bà mà!”
Bà tức giận đến mức lấy điện thoại gọi cho ra lẽ.
Sau đó tôi mới biết đứa cháu trai của bà Ngô bị bố mẹ ép học bài trong kỳ nghỉ Tết, nhưng nó lại mê game. Vì thế, thằng bé đặt báo thức lúc 11 giờ đêm để lén dậy chơi.
Trước khi rời đi, thằng bé vô tình làm rơi điện thoại vào khe giường, còn tưởng rằng bị rơi ở bên ngoài cho nên không dám nói với bố mẹ.
Vì thế mà cứ đến 11 giờ mỗi đêm, chuông báo thức lại tự động phát ra câu chúc năm mới.
Nếu bà Ngô ráng chịu thêm một ngày nữa, thì điện thoại cũng sắp hết pin.
Nghe thấy thằng bé khóc lóc thảm thiết ở đầu dây bên kia, tôi đoán rằng hôm nay thằng bé bị đánh không nhẹ.
Tôi dở khóc dở cười.
Lặng lẽ kéo Kỳ Phong ra ngoài.
“Nếu ở lại thêm chút nữa, chắc bà Ngô sẽ lấy ra đống bánh kẹo Tết mà bà giữ lại mời chúng ta.”
Trên đường về, tôi giúp bác Vương đóng chuồng gà, giúp thím Ngô kiểm tra khóa cửa.
Mây đêm tan dần, bầu trời đầy sao sáng rực.
“Trước giờ tôi chỉ mới thấy trăng sáng như vậy ở trong tranh vẽ.”
Kỳ Phong đi phía sau, khẽ lẩm bẩm.
“Đây là lý do vì sao cô ở lại làng Tiểu Lan đúng không?”
“Bởi vì người trẻ của làng này quá ít, rất nhiều người cần cô.”
Tôi dừng bước.
Không đáp, chỉ lặng lẽ gật đầu.
Tôi về quê không chỉ vì chăm sóc bà ngoại, mà còn vì rất nhiều người trung niên và người già giống như bà ngoại ở trong làng, bọn họ không biết làm sao để ra bên ngoài. Thậm chí dù có đi ra bên ngoài thì cũng không biết làm thế nào để tồn tại.
Vậy nên, tôi muốn mang thế giới bên ngoài đến cho họ.
Tôi đang mải suy nghĩ thì Kỳ Phong bất ngờ đụng vào lưng tôi.
Trái tim tôi cũng khẽ lỡ một nhịp.
“Thật ra tôi có chuyện này muốn hỏi cô.”
Giọng nói trong trẻo của Kỳ Phong vang lên ngay sau lưng tôi.
Tôi khẽ hít một hơi, giả vờ bình tĩnh: “Chuyện gì?”
“Cậu dùng nước hoa gì vậy?”
“Hả?”
“Mùi rất tự nhiên, rất dễ chịu, vừa nhẹ nhàng lại vừa cao cấp.”
Tôi im lặng quay đầu lại, vỗ vai anh.
“Anh cứ thử ngày nào cũng nhóm lửa, đun củi đi rồi sẽ có mùi y hệt.”
Kỳ Phong: “…”
8.
Sáng hôm sau, tôi phát hiện trước cửa nhà thỉnh thoảng có hàng xóm láng giềng cứ đi qua rồi lén lút thò đầu vào nhìn.
Có người đi qua đi lại ba bốn lượt chắc nghĩ tôi không nhìn thấy.
Kỳ Phong đứng phía sau tôi, tò mò hỏi:
“Họ đang nhìn gì thế?”
Tôi chẳng để tâm lắm: “Chắc là nghe nói tôi giúp bà Ngô giải quyết vụ ‘ma quái’ hôm qua nên tò mò thôi. Bà Ngô cái gì cũng tốt, chỉ có điều rất thích tám chuyện…”